|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sabeco và khoản nộp 2.400 tỉ đồng

15:14 | 25/03/2018
Chia sẻ
Hiện tại hội đồng quản trị Sabeco có bốn người. Nếu bầu bổ sung thêm ba người của phía nước ngoài, hội đồng quản trị tổng công ty sẽ gồm bảy người.
sabeco va khoan nop 2400 ti dong

Câu hỏi mà các cổ đông Sabeco không thể bỏ qua là liệu 2.400 tỉ đồng đã là khoản cuối cùng phát sinh mà Sabeco phải nộp ngân sách, hay còn gì nữa tiếp theo. Ảnh: T.L.

Ngày 15-3-2018 trên trang web của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (Hose) đăng tải công bố thông tin của Tổng công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) về việc chốt danh sách cổ đông để họp đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến trong tháng 4-2018 nhằm bầu bổ sung thành viên hội đồng quản trị. Ngay trước đó, đầu tháng này Công ty TNHH Vietnam Beverage, đơn vị đang sở hữu 53,59% cổ phần Sabeco, đã yêu cầu bổ sung gấp ba thành viên là người của họ vào hội đồng quản trị tổng công ty. Hiện tại hội đồng quản trị Sabeco có bốn người. Nếu bầu bổ sung thêm ba người của phía nước ngoài, hội đồng quản trị tổng công ty sẽ gồm bảy người.

Bán cổ phần, rồi sao nữa?

Công ty TNHH Vietnam Beverage không giải thích cụ thể vì sao họ yêu cầu bầu bổ sung gấp ba thành viên vào Hội đồng quản trị Sabeco. Theo quy định pháp luật, họ có quyền đưa số lượng người như thế vào hội đồng quản trị và họ thực hiện theo quy định.

Trong một diễn biến khác, các cổ đông nhỏ lẻ của Sabeco (hiện chiếm 10,41% cổ phần: các cổ đông nước ngoài khác đang sở hữu 9,68% cổ phần tính đến hết ngày 16-3-2018 theo dữ liệu của Hose, nên số cổ phần do cổ đông người Việt Nam bên ngoài nắm giữ chỉ có 0,73%, tương đương 4,68 triệu đơn vị) có lẽ không thể “bình tĩnh” như Công ty TNHH Vietnam Beverage.

Vấn đề xuất phát từ việc Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại Sabeco năm 2016 - năm liền kề trước khi Nhà nước bán vốn cho Công ty TNHH Vietnam Beverage. Theo Kiểm toán Nhà nước trước thoái vốn, Sabeco chưa phân phối lợi nhuận của các năm từ 2016 trở về trước gồm 2.700 tỉ đồng. Cụ thể, Nhà nước với tỷ lệ sở hữu khi đó 89,59%, Sabeco phải nộp vào ngân sách phần lợi nhuận của Nhà nước hơn 2.400 tỉ đồng.

Vài ngày sau, lập tức Bộ Công Thương, cơ quan quản lý ngành và đang là đại diện cho phần vốn nhà nước tại Sabeco, chỉ đạo Sabeco thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Ngoài ra Sabeco phải phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương rà soát, làm rõ các nội dung còn lại mà Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, để báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Cũng không kém phần chậm trễ, ngay khi nhận được chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sabeco đã có thông tin phản hồi, cho biết đang triển khai thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Nhưng Sabeco cùng lúc kiến nghị các cấp có thẩm quyền hướng dẫn xử lý dứt điểm vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt nộp bổ sung giai đoạn 2007-2015 vì vấn đề này ảnh hưởng đến việc phân phối lợi nhuận đến ngày 31-12-2016.

Dư luận, giới đầu tư và cổ đông Sabeco hẳn chưa quên tổng công ty đã phải tạm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh giai đoạn 2010-2014 là 2.479 tỉ đồng vào cuối năm 2016 theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Xét về lý, lẽ ra Nhà nước phải xử lý vấn đề phân phối lợi nhuận năm 2016 của Sabeco trước khi thoái vốn. Khi đó Nhà nước đang nắm quyền chi phối và hoàn toàn có thể quyết định việc phân phối lợi nhuận nhanh chóng, dứt khoát và ngân sách quốc gia đã có thể thu 2.400 tỉ đồng. Nay khi Kiểm toán Nhà nước “phát hiện” vấn đề, và vấn đề đặt ra là hợp lý, Sabeco không thể không thực hiện.

Sự băn khoăn sẽ là ở chỗ Sabeco phải điều chỉnh lại báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2016, hoặc điều chỉnh số tiền 2.400 tỉ đồng phải nộp trên vào báo cáo tài chính năm 2017. Điều này sẽ tác động như thế nào đến những khoản mục như vốn chủ sở hữu (tức ảnh hưởng đến giá trị sổ sách của cổ phiếu), lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại cho đến năm 2017 và của năm 2017? Một khi vốn chủ sở hữu, lợi nhuận bị ảnh hưởng, hiển nhiên các chỉ số như EPS, P/E sẽ khác đi và sự hợp lý của thị giá cổ phiếu sẽ ở một mức khác so với hiện tại.

Khi Nhà nước bán vốn cho Công ty TNHH Vietnam Beverage với giá 320.000 đồng/cổ phiếu, chỉ số P/E của Sabeco ở mức 35 lần (trong khi P/E của các doanh nghiệp bia khu vực và thế giới khoảng 20-21 lần) và chưa phát sinh số tiền 2.400 tỉ đồng phải nộp ngân sách. Nếu số tiền 2.400 tỉ đồng “ra mắt” thời điểm Nhà nước thoái vốn, P/E của Sabeco chắc chắn tăng vọt và sự đắt đỏ của cổ phiếu Sabeco không dừng ở mức đó.

Những cổ đông trót mua Sabeco giá cao (thời điểm cao nhất là 339.000 đồng/cổ phiếu), nay đang không vui khi ngày 16-3-2018 thị giá cổ phiếu còn 228.500 đồng, giảm 32,6% so với đỉnh (có ngày xuống 205.000 đồng/cổ phiếu, tức giảm 39,5%). Họ càng không thể hài lòng khi 2,5 tháng qua VN-Index tăng trưởng 16,8%, còn cổ phiếu Sabeco rớt đến mức “đồ thị phân tích kỹ thuật rất xấu” như khuyến cáo của bản tin một số công ty chứng khoán.

Và câu hỏi mà các cổ đông Sabeco không thể bỏ qua là liệu 2.400 tỉ đồng đã là khoản cuối cùng phát sinh mà Sabeco phải nộp ngân sách, hay còn gì nữa tiếp theo vì kết luận của Kiểm toán Nhà nước gồm một số, chứ không phải chỉ một vấn đề mà tổng công ty phải xử lý?

Luật Doanh nghiệp và điều lệ doanh nghiệp thường cho phép một cổ đông sở hữu 10% cổ phần một công ty có quyền ứng cử một người vào Hội đồng quản trị. Là cổ đông lớn nhất, Công ty TNHH Vietnam Beverage đủ điều kiện để ứng cử ba người vào hội đồng quản trị Sabeco.

Tuy nhiên để tiến hành đại hội đồng cổ đông thường niên (lần một) hoặc đại hội đồng cổ đông bất thường Luật Doanh nghiệp quy định phải có số cổ đông tham dự đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết. Và để thông qua nghị quyết của đại hội đồng cổ đông thì tỷ lệ này là 65%. Hiện Nhà nước vẫn đang nắm giữ 36% cổ phần Sabeco. Trong trường hợp Nhà nước không tham dự, thì đại hội đồng cổ đông bất thường của Sabeco không thể diễn ra.

Mặt khác, cũng phải thấy rằng với 36% cổ phần trong tay, nếu Nhà nước tham dự đại hội đồng cổ đông bất thường, Nhà nước vẫn có quyền phủ quyết những vấn đề quan trọng của Sabeco như bầu thành viên hội đồng quản trị, chia cổ tức, phát hành cổ phiếu tăng vốn, kế hoạch kinh doanh... Rõ ràng Nhà nước vẫn đang thể hiện quyền hành mang tính quyết định ở Sabeco cho dù không còn ở vị trí cổ đông chi phối (chiếm 51% vốn trở lên).

Hải Lý