|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sabeco đòi Sá xị Chương Dương thanh toán cổ tức dù thua lỗ

20:58 | 15/06/2018
Chia sẻ
Áp lực cổ tức từ công ty mẹ khiến Sá xị Chương Dương dự kiến chuyển 17 tỷ từ quỹ đầu tư phát triển sang lợi nhuận chưa phân phối.

Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (mã chứng khoán: SCD) cho biết, hoạt động kinh doanh thua lỗ gần 3 tỷ đồng nên không thể trích quỹ chia cổ tức 20% theo kế hoạch được thông qua tại đại hội cổ đông thường niên năm ngoái. Lợi nhuận chưa phân phối cũng cạn kiệt do vừa chia thưởng bổ sung năm 2017 và tăng tỷ lệ cổ tức năm 2016.

Tuy nhiên, Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với tư cách là cổ đông lớn nắm đến 62% vốn điều lệ vẫn yêu cầu doanh nghiệp này thanh toán cổ tức.

Do đó, ban lãnh đạo trình cổ đông phê duyệt phương án trích 17 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển chuyển sang lợi nhuận chưa phân phối nhằm thực hiện nghĩa vụ này. Báo cáo tài chính tính đến cuối năm 2017 cho thấy, nguồn quỹ của công ty còn hơn 104 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 450 tỷ đồng và 20 tỷ đồng trên cơ sở sản lượng tiêu thụ tăng gần 13% so với năm trước.

Gặp khó khăn về tài chính, nhưng nếu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận thì công ty dự kiến trích quỹ khen thưởng phúc lợi không quá ba tháng tiền lương bình quân thực hiện của người lao động. Trong trường hợp vượt mục tiêu, công ty sẽ trích thêm 20% tính trên phần lợi nhuận dôi dư.

Từ khi niêm yết đến nay, vốn góp chủ sở hữu của Sá xị Chương Dương vẫn giữ nguyên ở mức 85 tỷ đồng. Lợi nhuận hàng năm phần lớn dành để chia cổ tức vượt kế hoạch khiến ngân sách dành cho bán hàng và tiếp thị rất hạn chế so với những doanh nghiệp cùng ngành.

Trong tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào cuối tháng 6, ban lãnh đạo thừa nhận vẫn đang vật lộn với công nghệ cũ từ những năm 2000 nên chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường về việc sản xuất các dòng sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Điển hình như công ty tung ra thị trường sản phẩm mới nhưng do máy móc thiết bị chưa đáp ứng nên phải thuê gia công bên ngoài khiến giá vốn bán hàng và giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh với các dòng sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Chiến lược phân phối và bán hàng tồn tại nhiều lỗ hỏng cũng là một trong những điểm yếu cốt tử của Chương Dương. Đơn cử như việc công ty chỉ tập trung cho một số nhà phân phối mà lơ là mở rộng thị trường, thiết lập mạng lưới điểm bán hàng. Giá bán sản phẩm thường xuyên biến động mạnh, thấp hơn giá công ty tung ra thị trường do một số nhà phân phối muốn tiêu thụ nhanh nhằm đạt sản lượng cam kết.

Ngoài yếu tố nội tại thì áp lực cạnh tranh thị phần với những “đại gia” trong ngành nước giải khát như Pepsi, Coca-Cola hay những cái tên mới tham gia thị trường như URC (Philippines), Masan… khiến tình hình kinh doanh của công ty thêm khó khăn.

Năm ngoái, công ty ghi nhận 327 tỷ đồng doanh thu và 2,7 tỷ đồng lỗ trước thuế. Đây là năm đầu tiên công ty báo lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2006, đồng thời kém xa chỉ tiêu 494 tỷ đồng doanh thu và 38 tỷ đồng lãi trước thuế được đề ra trước đó.

Trong chiến lược kinh doanh mới, công ty cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm không gas và sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với thị trường trong nước và khu vực. Danh mục sản phẩm của công ty đang xuất hiện thêm nhiều chủng loại nước giải khát trái cây như mãng cầu, nha đam, bạc hà…

Xem thêm

Phương Đông

ĐHĐCĐ Vinhomes: Tiếp tục phát triển siêu đại dự án, có thể ra mắt dự án tại Đông Anh và Đan Phượng năm nay khi hoàn tất pháp lý
Trong năm 2024, ban lãnh đạo Vinhomes (Mã: VHM) trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 35.000 tỷ đồng; tăng lần lượt 16% và hơn 4% so với thực hiện năm 2023.