|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Startup fintech Đông Nam Á thắng lớn trong cuộc đua gọi vốn quý I/2022

07:39 | 21/06/2022
Chia sẻ
Theo thống kê, các startup fintech tại Đông Nam Á đã kêu gọi thành công số vốn đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm nay.

Vốn đầu tư rót vào các startup fintech (công nghệ tài chính) Đông Nam Á trong quý I/2022 tiếp tục khởi sắc, nối dài những con số tích cực đã ghi nhận được trong năm 2021.

Theo dữ liệu từ Dealroom, trong quý I/2022, các công ty fintech Đông Nam Á đã gọi vốn được tổng cộng 1,4 tỷ USD, tương đương mức tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước đó.

 Vốn đầu tư vào lĩnh vực fintech Đông Nam Á (đơn vị: tỷ USD). (Dữ liệu: Dealroom, Đồ hoạ: Thái Sơn). 

Trong khi đó, kết hợp với dữ liệu từ báo cáo S&P Global Market Intelligence May 2022, Đông Nam Á đang chiếm tỷ trọng tới 40% tổng lượng vốn đầu tư cho các công ty fintech trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Cụ thể, theo S&P, 186 thương vụ đầu tư với tổng giá trị 3,33 tỷ USD đã được thực hiện cho các startup fintech khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

 Xu hướng đầu tư vào mảng fintech tại Đông Nam Á trong quý I/2022 so với quý IV/2021 và cùng kỳ năm ngoái. (Dữ liệu: Dealroom, Đồ hoạ: Thái Sơn). 

Trang Fintech News bình luận rằng đầu tư vào fintech trong quý II/2022 vẫn tiếp tục sẽ là một điểm sáng trong khu vực. Hiện tại, chưa có thống kê đầy đủ về hoạt động đầu tư vào fintech trong quý II/2022, tuy nhiên có thể kể đến một số thương vụ đáng chú ý như Voyager Innovations (210 triệu USD kêu gọi thành công), Xendit (300 triệu USD kêu gọi thành công), Pintu (113 triệu USD kêu gọi thành công) và Flip (100 triệu USD kêu gọi thành công).

Lĩnh vực cho vay số nhận được nhiều sự quan tâm nhất

Mối quan tâm dành cho lĩnh vực cho vay số ghi nhận ở mức cao trong quý I/2021. Lĩnh vực này vượt qua tất cả các mảng khác trong hoạt động fintech với thành tích kêu gọi được 1,28 tỷ USD trong 52 thương vụ. Theo dữ liệu của S&P, 5 trong 10 thương vụ đầu tư có giá trị lớn nhất thuộc về lĩnh vực cho vay số.

Trong quý II, cho vay số vẫn là một mảng thu hút vốn của các nhà đầu tư với một số thương vụ đầu tư đáng chú ý đã được thực hiện từ tháng 4 cho tới nay, trong đó có thể kể đến Julo (80 triệu USD kêu gọi thành công) và Capital C (74 triệu USD kêu gọi thành công).

 Mảng cho vay số chiếm 38% tỷ trọng vốn kêu gọi của các startup fintech Châu Á Thái Bình Dương trong quý I/2022. (Nguồn: S&P, Việt hoá: Thái Sơn). 

Thực tế, cho vay số là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong đại dịch COVID-19 do các nhà đầu tư lo ngại tỷ lệ nợ xấu gia tăng. Dù vậy, một số startup cho vay số vẫn chứng minh được sự ổn định của mình đã tăng thêm sự tự tin cho các nhà đầu tư.

Dù vậy, S&P dự đoán những yếu tố bất định xung quanh kinh tế vĩ mô như lãi suất tăng và thị trường chứng khoán suy giảm có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động gọi vốn tại Châu Á Thái Bình Dương trong vài quý tới.

Ấn Độ dẫn đầu khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong thu hút vốn đầu tư fintech

 10 startup fintech Châu Á Thái Bình Dương kêu gọi thành công nhiều vốn nhất trong quý I/2022. (Nguồn: S&P, Việt hoá: Thái Sơn). 

Trong quý I/2022, các công ty Ấn Độ chiếm ưu thế trong nhóm startup fintech gọi vốn thành công ở Châu Á Thái Bình Dương. Cụ thể, thị trường này chiếm tỷ trọng 42% và 34% lần lượt đối với tổng giá trị kêu gọi đầu tư thành công và số lượng thương vụ trong khu vực.

Theo S&P, trong số 10 thương vụ đầu tư mảng fintech lớn nhất Châu Á Thái Bình Dương có tới 5 cái tên đến từ Ấn Độ. Cụ thể, Pine Labs, một nền tảng dành cho các nhà bán hàng Ấn Độ, là startup fintech Ấn Độ gọi vốn thành công nhất Châu Á Thái Bình Dương trong quý I/2022 khi nhận 205 triệu USD vốn đầu tư. Thực tế, startup này cũng đang chuẩn bị cho quá trình IPO vào cuối năm nay.

Một số startup fintech Ấn Độ khác cũng có mặt trong top 10 gọi vốn thành công trong quý I/2022 cũng có thể kể đến Oxyzo (vị trí thứ 2, 200 triệu USD), Credavenue (vị trí số 6, 137 triệu USD), Finzoom (vị trí số 9, 86 triệu USD) và Refyne Tech (vị trí số 10, 82 triệu USD).

Thái Sơn

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.