|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Rút giấy phép doanh nghiệp nợ thuế: Lợi bất cập hại

21:08 | 11/09/2018
Chia sẻ
Nếu doanh nghiệp đang nợ thuế mà “khai tử” doanh nghiệp thì không thể đòi thuế nữa.
rut giay phep doanh nghiep no thue loi bat cap hai Đôn đốc doanh nghiệp nợ thuế từ 5 triệu đồng trở lên
rut giay phep doanh nghiep no thue loi bat cap hai Hà Nội nêu tên 140 DN nợ thuế phí, tiền thuê đất gần 285 tỷ đồng, nhiều DN chưa trả nợ cũ

Tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng biện pháp: Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN), giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề... để cưỡng chế thu hồi thuế. Đây là biện pháp cưỡng chế thuế đã có trong Luật Quản lý thuế 2006 nhưng thời gian qua bị nhiều ý kiến đánh giá là không phù hợp và không hiệu quả.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu trao đổi với Pháp Luật TP HCM cho rằng: “Biện pháp này có vẻ mang tính răn đe cao nhưng dường như là không có lợi cho Nhà nước và góp phần làm… thất thu thuế”.

Thu hồi giấy chứng nhận đồng nghĩa khai tử DN

rut giay phep doanh nghiep no thue loi bat cap hai
Ông Phan Đức Hiếu

Phóng viên: Thưa ông, vì sao ông lại cho rằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không có lợi cho Nhà nước?

Ông Phan Đức Hiếu: Theo tôi hiểu, mục tiêu của các biện pháp cưỡng chế thuế là thu hồi tối đa số thuế phải nợ. Tuy nhiên, nếu áp dụng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của DN thì mục tiêu này có thể không đạt được. Bởi vì thu hồi các loại giấy đăng ký này cũng đồng nghĩa với việc “khai tử” DN.

Chắc tác động của biện pháp cưỡng chế thu hồi các giấy chứng nhận kinh doanh không chỉ có thế, thưa ông?

Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN có thể có tác động tiêu cực khác, đó là làm mất đi công ăn việc làm; mất hẳn khả năng trả nợ thuế (nếu để DN tiếp tục kinh doanh thì có khả năng đòi được nợ thuế); mất đi một DN và mất đi khoản thuế trong tương lai.

Nhìn vào bức tranh tổng thể này, có thể thấy không hoàn toàn hiệu quả, thậm chí có thể gây thiệt hơn thêm cho nền kinh tế.

Tôi muốn hỏi lại, giả sử cơ quan thuế bảo lưu và áp dụng biện pháp thu hồi các giấy chứng nhận kinh doanh, điều gì sẽ xảy ra?

Như trên đã nói về tính không khả thi, kém hiệu quả của biện pháp này. Khi thu hồi giấy chứng đăng ký kinh doanh, DN sẽ phải thực hiện thủ tục giải thể theo Luật DN. Khi DN giải thể, không còn tồn tại, cơ quan thuế rất khó để cưỡng chế, thi hành quyết định thuế, xét về mặt thủ tục.

Hơn nữa, ngay cả khi biện pháp này giúp thu hồi được thuế thì theo luật pháp hiện nay sau đó DN vẫn buộc phải chấm dứt hoạt động, không thể phục hồi lại được. Điều này sẽ làm mất đi nhiều lợi ích về lâu dài.

rut giay phep doanh nghiep no thue loi bat cap hai
VCCI cho rằng quy định ngân hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cho cơ quan thuế là không hợp lý. Ảnh: TL

Có nhiều giải pháp chống thất thu thuế

Như vậy có thể hiểu khi “khai tử” một DN nợ thuế bằng cách thu hồi các giấy đăng ký kinh doanh cũng đồng nghĩa với việc “chết là hết nợ”. Vậy có cách gì hay hơn không?

Khi DN không nộp thuế tức là đã vi phạm nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của hiến pháp và các quy định có liên quan. Như vậy, chúng ta có thể tiến hành điều tra việc không hoặc chậm trả thuế theo quy định của pháp luật hình sự; tiến hành các biện pháp cưỡng chế trả nợ thuế theo pháp luật thuế, trừ biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Nên khởi kiện ra tòa để đòi thuế

Theo tôi, đối với các DN nợ thuế, sau khi áp dụng các biện pháp hành chính theo luật định mà không hiệu quả, cơ quan thuế nên khởi kiện ra tòa để đòi thuế về cho Nhà nước. Điều này vừa tuân thủ chuẩn mực văn minh ở các nước phát triển, vừa thúc đẩy và nâng cao vai trò của tòa án trong công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước.

Tôi nghĩ khi cơ quan thuế khởi kiện DN nợ thuế ra tòa án sẽ khiến quá trình thu thuế có thể diễn ra nhanh hơn. Bởi khi có phán quyết của tòa án, DN, cá nhân nợ thuế sẽ phải thi hành. Nếu không, thi hành án sẽ làm việc đó.

Hơn nữa, nếu thu hồi các giấy chứng nhận kinh doanh của DN, cơ sở nào để cơ quan thuế cưỡng chế, thi hành quyết định thuế? Giả sử DN ấy đang nợ 10 tỷ đồng tiền thuế, nếu thu hồi các giấy chứng nhận kinh doanh, DN ấy bị khai tử, không còn cơ sở để truy thu 10 tỷ đồng ấy nữa. Nhà nước đương nhiên sẽ thất thu 10 tỷ hoặc 10 tỷ ấy sẽ chuyển về diện thuế khó đòi. Cuối cùng là đến một lúc nào đó, cơ quan thuế có thể sẽ đề nghị xóa nợ thuế vì không có cơ sở để truy thu.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, VCCI

Cũng có thể tính đến việc cơ quan thuế kiện DN và thực hiện cưỡng chế thi hành án để thực hiện thu nợ thuế.

Dường như từ trước tới nay chưa có vụ việc nào mà cơ quan thuế khởi kiện DN ra tòa...

Có nhiều ý kiến băn khoăn cơ sở nào để khởi kiện. Tôi cho rằng có thể căn cứ vào luật dân sự để tiến hành khởi kiện và thu hồi nợ thuế. Cách làm này có thể vừa đảm bảo được lợi ích các bên, chắc chắn về pháp lý, vẫn có thể giúp thu hồi được nợ thuế nhưng lại hạn chế được tác động tiêu cực của biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Tóm lại, tôi cho rằng nên xem xét và bãi bỏ biện pháp thu hồi giấy chứng nhận. Thay vào đó, nên thay thế bằng biện pháp khởi kiện DN ra tòa.

Lo lắng khi ngân hàng cung cấp thông tin cho cơ quan thuế

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi của Bộ Tài chính. Theo đó, dự thảo quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế. Các thông tin này bao gồm: Thông tin về mở tài khoản; số tài khoản; nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản; mã số thuế của người nộp thuế.

VCCI cho rằng quy định này là chưa bảo đảm tính minh bạch ở chỗ không rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp các thông tin này và căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì. “Nếu quy định mở như hiện nay thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế” - VCCI nhấn mạnh.

Mặt khác, cũng theo VCCI, quan hệ giữa ngân hàng thương mại và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng, ngân hàng thương mại cần phải cho khách hàng biết các trường hợp thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba. Các trường hợp này cần phải hợp lý và rõ ràng để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức và bảo đảm ngân hàng thương mại không phải chịu gánh nặng tuân thủ yêu cầu này của cơ quan quản lý thuế.

Xem thêm

Chân Luận (thực hiện)