Rủi ro tín dụng tại Việt Nam được đánh giá thế nào?
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, Stoxplus và Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đồng tổ chức Hội thảo “Cải thiện môi trường kinh doanh thông qua: Cải cách quản trị rủi ro tín dụng trong thương mại và đầu tư” dưới sự bảo trợ của Ban Kinh tế Trung Ương.
Hệ thống thông tin doanh nghiệp tại Việt Nam còn khá nghèo nàn
Theo thống kê, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở nhất trên thế giới với kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương 188% GDP năm 2017 và hoạt động thương mại đóng góp rất lớn trong tăng trưởng kinh tế nhiều năm qua.
Tuy nhiên, xét về môi trường kinh doanh thì “Sự thuận lợi trong kinh doanh tại Việt Nam”, Việt Nam xếp thứ 68 trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới năm 2017.
Mặc dù đã có nhiều cải cách trong những năm gần đây, thứ hạng thấp của Việt Nam được giải thích bởi nhiều yếu tố, chủ yếu là thiếu minh bạch thông tin, thiếu dữ liệu tài chính doanh nghiệp, xếp hạng tín dụng còn hạn chế, các sản phẩm bảo vệ như bảo hiểm rủi ro tín dụng mới bắt đầu phổ biến.
ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Stoxplus |
Chia sẻ về rủi ro tín dụng, ông Nguyễn Quang Thuận – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Stoxplus cho rằng vấn đề này là tâm điểm của hoạt động ngân hàng nhưng nó đang dần trở nên quan trọng hơn trong hoạt động đầu tư và thương mại.
Theo ông Thuận, độ tin cậy của cơ sở dữ liệu đầu vào ở Việt Nam vẫn thấp do cơ sở hạ tầng nguồn dữ liệu quốc gia còn phân tán, môi trường lập báo cáo tài chính chưa hoàn thiện. Điều này tạo ra một thách thức lớn trong xử lý dữ liệu khi áp dụng vào bất cứ mô hình quản lý rủi ro nào tại Việt Nam.
Hiên nay, Chính phủ đã tiến hành phát triển một hệ thống điện tử kết nối tất cả tài liệu điện tử của Nhà nước và dữ liệu từ cấp Trung Ương tới cấp tỉnh. Theo đó, dữ liệu tín dụng doanh nghiệp được quản lý bởi Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), trực thuộc Ngân hàng Nhà nước.
CIC lưu trữ thông tin tài chính quy chuẩn của hơn 400.000 doanh nghiệp. Đơn vị áp dựng phương pháp đánh giá tín dụng mới, cho phép đánh giá tất cả các doanh nghiệp, không chỉ riêng các doanh nghiệp có nợ tại hệ thống ngân hàng như trước.
Biện pháp đo lường rủi ro tín dụng thương mại
Trước câu hỏi về biện pháp đo lường rủi ro tín dụng thương mại, ông Thuân cho rằng các nhà đầu tư cần xác minh và phân tích kỹ tình hình tài chính của đối tác. Bởi tình trạng mất khả năng thanh toán của các doanh nghiệp Việt Nam nghiêm trọng. Điều này thể hiện bởi số lượng lớn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp tại Việt Nam tuyên bố phá sản mặc dù tình trạng này xảy ra khá nhiều.
Trong bối cảnh đó, Stoxplus sử dụng hai mô hình thống kê là M – score và Z – score để dự đoán xác suất của một công ty sẽ phá sản và gian lận báo cáo tài chính cho các công ty Việt Nam.
Ngoài ra, để hỗ trợ nhà đầu tư trong hoạt động quản trị rủi ro, CIC cũng lưu trữ các báo cáo tín dụng truyền thống, đánh giá doanh nghiệp qua báo cáo xếp hạng tín dụng, chấm điểm tín dụng. CIC sẽ hỗ trợ marketing, tìm kiếm khách hàng vay phục vụ việc quản lý và giám sát danh mục cho nhà đầu tư.
Để xác định rủi ro trong tín dụng, Tập đoàn Nikkei của Nhật sở hữu công ty con là Financial Technology Research Institute,Inc. (FTRI) cũng xây dựng mô hình đánh giá rủi ro tín dụng dựa trên các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp. FTRI hỗ trợ các ngân hàng khi họ gặp khó khăn trong việc áp dụng chuẩn Basel II.
Nhìn chung, với các thị trường mới nổi như Việt Nam, việc phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản trị rủi ro thực sự cần thiết. Tất nhiên, hệ thống quản trị cần dữ liệu đầu vào sạch và đáng tin cậy. Việc phân tích cũng cần tính đến quy mô vốn của các doanh nghiệp, nhu cầu tiếp cận từng dòng vốn khác nhau của mỗi nhà đầu tư.