Rủi ro tiềm tàng trong 94.000 con đập cũ trên khắp Trung Quốc
Một vụ vỡ đập phơi bày rủi ro lớn
Giữa trưa ngày 7/6, con đập ở huyện Dương Sóc (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) bất ngờ sụp đổ, khiến đường xá, vườn cây và làng mạc ở Shazixi ngập trong biển nước, người dân địa phương chia sẻ với Reuters.
"Tôi chưa bao giờ chứng kiến trận lũ nào kinh khủng như vậy", ông Luo Qiyuan (81 tuổi) cho hay. Theo Reuters, chính ông Luo là người góp công xây con đập từ nhiều thập kỉ trước.
"Mực nước chưa từng cao như thế trong các năm trước và con đập cũng chưa bao giờ sập", ông Luo nói thêm.
Hoàn thành vào năm 1965, con đập này làm bằng đất nén và được thiết kế để chứa 195.000 mét khối nước, tức đủ để lấp đầy 78 bể bơi kích thước Olympic. Mục đích của đập là nhằm đáp ứng nhu cầu tưới tiêu của nông dân làng Shazixi.
Trong chuyến thăm hồ chứa vào giữa tháng 7, Reuters phát hiện phần lớn chiều dài của con đập (khoảng 100m) đã biến mất. 25 năm trước, đập này từng được gia cố một lần.
Nước tràn qua khiến con đập sụp xuống, một thành viên giấu tên của đoàn phóng viên khảo sát cho hay. Cư dân làng Shazixi cho biết không có người thiệt mạng.
Con đập 55 năm tuổi sập nhưng báo chí địa phương không đưa tin. Vụ việc cho thấy mưa bão lớn có thể khiến các hồ chứa quá tải, đặc biệt là ở những con đập được thiết kế kém khoa học và không được thường xuyên cải tạo, sửa chữa.
Sự việc cũng dấy lên khả năng xảy ra thảm họa ở các lưu vực sông và khu vực đồng bằng dễ ngập nước, có mật độ dân số đông hơn so với thời điểm đập mới được xây dựng.
Các nhóm chuyên gia môi trường nói biến đổi khí hậu gây ra mưa nặng hạt và thường xuyên hơn. Lũ lụt ồ ạt có thể kích hoạt các sự kiện "thiên nga đen" không lường trước và gây ra hậu quả khôn lường, chính phủ Trung Quốc cho hay.
Thời tiết khắc nghiệt
Hàng nghìn con đập đã được xây dựng vào những năm 1950 và 1960 theo chỉ đạo của Chủ tịch Mao Trạch Đông nhằm chống lại hạn hán ở Trung Quốc - đất nước khi đó chủ yếu canh tác nông nghiệp.
Năm 2006, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho hay, trong giai đoạn 1954 - 2005, các đoạn đê điều tại 3.486 hồ chứa đã bị vỡ do chất lượng xây dựng dưới chuẩn và quản lí yếu kém.
Reuters hiện chưa rõ liệu đợt mưa kéo dài kỉ lục trong năm nay có phải nguyên nhân khiến con đập ở làng Shazixi vỡ hay do đập tràn khẩn cấp đã bị chặn bởi phù sa hay vì vấn đề thiết kế.
Bộ Thủy lợi Trung Quốc và chính quyền huyện Dương Sóc đều từ chối đưa ra bình luận.
Lượng mưa và nhiệt độ trung bình của tỉnh Quảng Tây giai đoạn 1990 - 2018 cao hơn nhiều so với 29 năm trước đó. Ông David Shankman - một chuyên gia địa lí tại Đại học Alabama và thường nghiên cứu về lũ lụt tại Trung Quốc, nhận định chính thời tiết khắc nghiệt đã đẩy con đập trên vào nguy hiểm.
"Tuy nhiên, một con đập phải có khả năng chống chịu các sự kiện thời tiết khắc nghiệt ngay cả khi điều này diễn ra thường xuyên. Khi lũ tan, chất lượng của con đập phải y như lúc trước khi thiên tai xảy ra, đó là trong trường hợp công trình được thiết kế và thi công đúng cách", ông Shankman lí giải.
Theo một thông báo tại trạm quan trắc hồ chứa Shazixi, con đập cao 151,2m được xây dựng để chống chịu tốt trước kịch bản xấu chỉ xảy ra một lần trong hai thế kỉ mà theo đó, mực nước được dự đoán có thể chạm ngưỡng 149,48m. Tuy nhiên, nước lũ tháng trước đã dâng cao vượt mức này.
Trong tháng 6, lượng mưa trong ba giờ liên tiếp tại huyện Dương Sóc đã nhiều hơn so với tổng lượng mưa trong hai tháng ở thời điểm bình thường.
Đáng lo ngại hơn, mực nước tại một con đập trên nhánh sông Trường Giang dâng cao đến mức chính quyền địa phương phải cho nổ một phần đập để nước tràn ra nhằm hạ thấp mực nước trong hồ chứa vào ngày 19/7 vừa qua.
Thảm họa vỡ đập tồi tệ nhất tại Trung Quốc là vụ việc của đập Ban Kiều trên sông Hoàng Hà. Công trình này hoàn thành năm 1952 với sự trợ giúp của Liên Xô và sụp đổ vào năm 1975, giết chết hàng chục nghìn người, Reuters dẫn ước tính chính thức được công bố hai thập kỉ sau đó cho hay.
Tại một cuộc họp báo gần đây, ông Diệp Kiến Xuân - Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc, cho biết ông tự tin các dự án kiểm soát lũ trên các sông lớn có khả năng đối phó được với trận lũ lụt khủng khiếp nhất kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc (1949).
Tuy nhiên, ông Diệp lại không đặc biệt lưu tâm đến các đập trên những con sông khác. Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc nói lũ lụt dâng cao vượt mức có thể phá vỡ khả năng phòng vệ của công trình, từ đó dẫn đến sự kiện có sức tàn phá lớn.
Nhận thức được rủi ro, chính phủ Trung Quốc đã gia cố và cải tiến các con đập cũ cũng như tăng cường kiểm tra. Trong khi đó, các đập mới được thiết kế để tăng khả năng trữ nước.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/