Reuters: Có một 'cơn bão hoàn hảo' thúc đẩy giá USD tăng tốc
Một đợt tăng giá mạnh của đồng USD vẫn đang được tăng tốc nhờ sự thúc đẩy bởi chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Mỹ), lợi suất kho bạc tăng và lo ngại về khả năng xảy ra một “cuộc chiến” kéo dài, chật vật vì mức nợ trần của Mỹ, theo Reuters.
Đồng bạc xanh đã tăng giá tới 4,7% tính đến thời điểm ngày 1/10 và đứng gần mức cao nhất trong một năm nay so với rổ tiền tệ. Đặt cược ròng vào đồng USD trên thị trường tương lai đang ở mức cao nhất trong hơn 18 tháng, theo dữ liệu từ CFTC.
Đâu là “cơn bão hoàn hảo” đẩy giá đồng USD tăng nhanh?
Bởi vì USD vẫn là đồng tiền thống trị thế giới, quỹ đạo của nó có thể có tác động lớn tới kinh tế, tài chính của tất cả mọi người, mọi doanh nghiệp và tổ chức, từ các tập đoàn đến những ngân hàng trung ương trên toàn cầu.
Đồng USD mạnh lên có thể là một dấu hiệu của sức mạnh kinh tế nhưng sự tăng giá quá nhanh của đồng tiền này cũng có thể ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán của các nhà xuất khẩu Mỹ.
Lý do là vì các sản phẩm của họ có thể trở nên khó cạnh tranh hơn ở nước ngoài. Hơn nữa, các công ty đa quốc gia khi chuyển tiền trở lại cũng chịu lỗ khi USD tăng giá.
Ông Simon Harvey, nhà phân tích thị trường FX cao cấp tại Monex Europe ở London (Vương quốc Anh) cho biết: “Sự biến động của giá USD mà chúng ta đang thấy hiện tại là do sự kết hợp của rất nhiều yếu tố, tất cả đều phù hợp để tạo ra một cơn bão hoàn hảo”.
Một động lực chính cho sức mạnh của đồng USD là Fed. Vào tuần trước, Fed tuyên bố cho họ sẽ bắt đầu rút 120 tỷ USD mua trái phiếu chính phủ hàng tháng ngay từ tháng 11 và có khả năng bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2022, sớm hơn dự kiến của một số nhà đầu tư.
Lợi tức của Trái phiếu chính phủ ngừa lạm phát kỳ hạn 10 năm, loại bỏ lạm phát, đã tăng khoảng 37 điểm cơ bản kể từ đầu tháng 8, so với mức tăng chỉ 5 điểm cơ bản tại Đức. Điều đó đã làm tăng sức hấp dẫn của trái phiếu mệnh giá bằng USD so với các trái phiếu nước ngoài.
Ông Richard Benson, đồng Giám đốc đầu tư tại quỹ Millennium Global ở London, nhận định: “Có vẻ như quan điểm đồng thuận về việc Fed giảm giá đồng USD là không chính xác. Chúng tôi đã tính dự phòng 20-30 điểm cơ bản trong lợi suất hỗ trợ đồng USD".
Một cuộc chiến gay gắt về việc nâng mức trần nợ của Mỹ - có thể dẫn đến vỡ nợ nếu các nhà lập pháp không đồng ý vào ngày 18/10 cũng được cho là đang đẩy giá đồng USD tăng cao. Đây là một yếu tố khác khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Lo ngại với nền kinh tế Mỹ và thế giới
Ông Harvey nói rằng có rất nhiều sự lo lắng về sự suy thoái của tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc - một gã khổng lồ trong ngành đứng trước nguy cơ vỡ nợ với khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Ngoài ra, các lo ngại ở tầm vĩ mô cũng gồm có tỷ lệ lạm phát tăng cao và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Chỉ số S&P 500 đã giảm tới 4,8% chỉ trong tháng 9. Đây bị coi là tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020, trong khi chỉ số USD tăng tới 1,7%. Theo ông Harvey thì “Phần lớn các yếu tố này đều chỉ ra một môi trường vĩ mô mà lạm phát khiến mọi thứ trì trệ hơn, do đó dẫn đến việc các thị trường tìm cách trú ẩn trong đồng USD”.
Xu hướng và những lo ngại này khiến cho nhiều doanh nghiệp phải cố gắng tìm cách đánh giá, dự đoán các tác động khi giá USD tăng mạnh đối với bảng cân đối kế toán của công ty.
Những công ty trong lĩnh vực công nghệ sẽ phải chịu nhiều biến động tiền tệ nhất, với hơn 54% tổng doanh thu trong lĩnh vực này đến từ nước ngoài, một phân tích về các công ty Russell 1000 của Bespoke Investment Group cho thấy. Tiếp theo là lĩnh vực vật liệu, nơi gần 46% tổng doanh thu đến từ nước ngoài.
Ông Matt Weller, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu toàn cầu tại Forex.com, lưu ý rằng bất chấp sự phục hồi gần đây của đồng USD, nó vẫn không thay đổi nhiều so với mức giá của năm trước và thấp hơn mức mà nó đã từng đạt được trong những năm qua.
Ông nói: “Hầu hết các công ty sẽ bắt đầu lo lắng về những rủi ro đó nếu chỉ số USD bắt đầu tiếp cận mức 100 khi chúng ta bước vào năm 2022”. Chỉ số này dừng ở mức khoảng 94,25 vào cuối ngày 30/9.
Một số nhà đầu tư tin rằng sức mạnh của đồng USD khó có thể kéo dài. Các nhà phân tích tại công ty quản lý quỹ đầu tư Neuberger Berman cho biết trong một lưu ý gần đây rằng đồng USD đã bước vào chu kỳ giảm kéo dài nhiều năm sau khi đạt đỉnh vào tháng 3 năm 2020 và cuối cùng sẽ giảm xuống theo thời gian.
Dự báo của họ dựa trên số liệu tổng hợp nhiều yếu tố, bao gồm dự đoán về sự sụt giảm tỷ lệ đóng góp của Mỹ vào tổng sản phẩm quốc nội thế giới bắt đầu từ năm 2022 - trùng hợp giai đoạn đồng USD suy yếu trong quá khứ.
Dĩ nhiên, vẫn có nhiều chuyên gia, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư sẵn sàng đặt cược vào các quyết sách của Fed, kỳ vọng đồng tiền của Mỹ sẽ tiếp tục tăng giá trong những tháng tới.
Một số nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính châu Âu Societe Generale cho biết đồng USD thậm chí có thể tăng tới 10% so với mức hiện tại do kỳ vọng Fed sẽ thắt chặt hơn.
Ông Mazen Issa, chiến lược gia FX cao cấp tại TD Securities bày tỏ hy vọng tỷ giá thực tế tăng sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng USD, mặc dù ông không tin rằng đồng tiền này đã đạt đến mức có thể gây ra vấn đề cho các công ty. Ông nói: “Đồng USD đã chứng tỏ khả năng linh hoạt thông qua các dấu hiệu kỹ thuật quan trọng và sẽ rất khó để thay đổi điều đó thời gian tới”.