|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Rạn nứt của OPEC để lộ thế khó của kinh tế Arab Saudi

15:49 | 14/07/2021
Chia sẻ
Thái tử Mohammed bin Salman từng hứa sẽ tạo ra các ngành thiết yếu cho một nước công nghiệp và giải phóng Arab Saudi khỏi sự lệ thuộc vào dầu mỏ. Tuy nhiên thực tế khác xa tầm nhìn của ông.
Rạn nứt của OPEC để lộ thế khó của Arab Saudi trong việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu - Ảnh 1.

Ông Mohammed bin Salman, Thái tử Arab Saudi. (Ảnh: Getty Images).

5 năm trước, Thái tử Arab Saudi cam kết đến năm 2020 sẽ giải phóng nền kinh tế đất nước khỏi sự ràng buộc với dầu mỏ. Nhưng nay Arab Saudi lại một lần nữa tập trung vào "vàng đen" và xa rời các nguồn năng lượng sạch hơn trong lúc tìm cách duy trì tăng trưởng và tạo việc làm.

Việc Arab Saudi rút lại kế hoạch dài hạn đang đẩy nước này vào thế xung đột với những thành viên khác của OPEC, ví dụ như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

UAE lo nhu cầu dành cho dầu thô sẽ cạn kiệt nhanh chóng hơn dự đoán của Arab Saudi và muốn tranh thủ bán ra càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, Arab Saudi muốn giảm tốc và kéo dài nguồn lợi từ dầu thô sang tương lai. Tuần trước, các cuộc đàm phán tại OPEC về việc có nên tăng sản lượng dầu thô hay không đã đổ vỡ, tờ Wall Street Journal cho biết. 

Ông Ayham Kamel, người đứng đầu bộ phận Trung Đông tại hãng tư vấn Eurasia giải thích: "Arab Saudi muốn lái xe với tốc độ 100 km/giờ còn UAE thì muốn đạp ga lên 160 km. Vị Thái tử đã nhận ra rằng việc hấp tấp tránh xa dầu không thực sự có ích cho Arab Saudi".

Dưới sự chỉ đạo của Thái tử Mohammed bin Salman, Arab Saudi từng nhắm đến việc rũ bỏ sự phụ thuộc vào dầu trước năm 2021. Năm 2016, Thái tử Mohammed công bố kế hoạch thu hút vốn ngoại và xây dựng các ngành công nghiệp như sản xuất xe và vũ khí. Có tên gọi Vision 2030, kế hoạch táo bạo này nhắm đến việc đưa Arab Saudi thành cường quốc công nghiệp và đưa nền kinh tế ra khỏi chu kỳ lên xuống của giá dầu.

Tuy nhiên, theo World Bank, ngành dầu mỏ vẫn đóng góp tới 80% cho ngân sách của nước này. Ngoài ra, 88% thu nhập từ nước ngoài của Arab Saudi cũng đến từ xuất khẩu dầu. Trên thực tế, đóng góp của xuất khẩu dầu cho GDP từ năm 2016 đến 2019 đã tăng từ 19% lên 24%.

Theo kế hoạch 2030, nguồn thu phi dầu mỏ của Arab Saudi sẽ tăng gần gấp 4 vào năm 2020. Nhưng trên thực tế, chúng mới tăng lên gấp đôi. Phần lớn nguồn thu đó đến từ các loại thuế mới, theo dữ liệu chính phủ.

Sự biến động của thị trường dầu mỏ cũng tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế Arab Saudi. Năm ngoái, chính phủ nước này mạnh tay giảm chi tiêu sau khi đại dịch khiến nhu cầu dầu mỏ lao dốc và cuộc chiến giá dầu với Nga khiến giá rơi xuống mức âm.  

Trong khi đó, COVID-19 đã đè nặng lên kinh tế Arab Saudi. Thuế tăng và cắt giảm trợ cấp đã làm giảm thu nhập và tác động xấu đến nỗ lực tạo ra đủ việc làm cho hàng triệu công dân trẻ tuổi chưa được chuẩn bị kỹ cho môi trường làm việc hiện đại. Năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Arab Saudi vượt mức 15% và hiện vẫn gần mức 12%, phần nhiều là thanh niên.

Ông Robin Mills, CEO công ty tư vấn Qamar Energy cho biết: "Trong 5 năm qua, Arab Saudi chỉ đạt được rất ít tiến bộ trong việc giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Có lẽ sẽ mất hơn 30 năm để nước này thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu".

Rạn nứt của OPEC để lộ thế khó của Arab Saudi trong việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu - Ảnh 2.

Các mỏ dầu vẫn là trọng tâm của nền kinh tế Arab Saudi. (Ảnh: Bloomberg).

Khu vực tư nhân của Arab Saudi đang phát triển nhưng không đáp ứng được kế hoạch. Vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nước này trong năm 2019 chỉ đạt 4,6 tỷ USD – thấp hơn nhiều so với mục tiêu hàng năm là gần 19 tỷ USD.

Dòng vốn ngoại lớn nhất đổ vào Arab Saudi trong nhiều năm đến từ thỏa thuận bán 12,4 tỷ USD cổ phần trong công việc kinh doanh đường ống dẫn dầu của Aramco. Những lĩnh vực kinh tế mới du lịch và giải trí vẫn sống dựa vào tài trợ chính phủ.

"Nhận thức sai lầm"

Quan điểm quốc tế về Arab Saudi trở nên tiêu cực sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post và việc bắt giữ các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ vào năm 2018. Một số nhà đầu tư ngoại đã rút khỏi các thỏa thuận tiềm năng về công nghệ, vận chuyển và giải trí.

Đến năm 2019, việc chào bán cổ phần của Aramco trên thị trường quốc tế không thu hút được lượng đáng kể nhu cầu của nhà đầu tư ngoại và phải thu hẹp quy mô. Các hoạt động tư nhân hóa khác diễn ra chậm chạp. Chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu chính phủ cũng làm suy yếu tâm lý kinh doanh.

Trong khi đó, các mục tiêu giảm phát thải và tham vọng trở thành quốc gia hàng đầu về năng lượng tái tạo của Arab Saudi hầu như không gặt hái được kết quả. Kế hoạch trị giá 200 tỷ USD với SoftBank nhằm xây dựng dự án sản xuất điện mặt trời lớn nhất thế giới đã bị hoãn lại vào năm 2018. Nỗ lực gây khởi động một chương trình hạt nhân dân sự cũng bị đình trệ.

Năm ngoái, Arab Saudi đã thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 500 triệu USD để đầu tư vào các công nghệ tái tạo và tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, các quan chức Arab Saudi tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến các công nghệ phục vụ cho nhu cầu dầu mỏ lâu dài, chẳng hạn như giảm cường độ carbon của hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Hồi tháng 4, Thái tử Mohammed phát biểu: "Một số người có nhận thức sai lầm rằng Arab Saudi muốn loại bỏ dầu mỏ. Điều này hoàn toàn không đúng".

Giang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.