|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Rắc rối BOT và bóng ma nợ xấu: Bộ và tỉnh giằng co, chủ đầu tư cùng quẫn

07:45 | 28/10/2019
Chia sẻ
Các dự án BOT giao thông mang lại lợi ích rõ rệt, tuy nhiên các dự án này cũng gây bức xúc cho dân. Việc giải quyết sự bức xúc đó chỉ có thể là cơ quan Nhà nước.

Tuy nhiên, đang có hiện tượng bộ, ngành, địa phương nhãng ra, giằng co và doanh nghiệp chỉ biết chờ đợi, kêu cứu. BOT Thái Nguyên – Chợ Mới là một trong những trường hợp như thế…

avatar_1572223029116

BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đã được đưa vào khai thác hơn 2 năm nhưng các cam kết của Nhà nước với doanh nghiệp chưa được thực thi. Ảnh: Bảo An

Ðường xong 2 năm chưa được thu phí

Dự án đường Thái Nguyên- Chợ Mới (Bắc Kạn) được liên danh Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 5/2017. 

Tuyến dài 65km, gồm hai hợp phần: Xây mới 40km quốc lộ (QL3) mới đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) theo tiêu chuẩn tiền cao tốc và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 đảm bảo quy mô tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 2.713 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Công ty BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cho biết, theo hợp đồng BOT, để phương án tài chính đảm bảo khả thi, dự án được đặt hai trạm thu phí hoàn vốn. 

Một trạm đặt trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Km 72+930) và một trạm đặt trên QL3 tại Km 77+922 (khu vực Bờ Đậu, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). 

Hiện nay, việc thu phí mới chỉ được thực hiện tại tuyến đường Thái Nguyên- Chợ Mới (Bắc Kạn), chưa thu trên QL3 nên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) đã đưa vào khai thác nhưng các phương tiện vẫn lưu thông chủ yếu trên QL3 (chiếm khoảng 85%) để tránh mất phí.

“Theo phương án tài chính, năm 2019, hai trạm BOT có thể thu được 600 triệu đồng/ngày, nhưng hiện tại, trạm Thái Nguyên - Chợ Mới mới thu được khoảng 60 triệu đồng/ngày. Nếu trạm QL3 được thu phí thì thêm khoảng 200 triệu đồng/ngày nữa, tức là khoản thu chỉ bằng gần 50% so với phương án tài chính, dẫn đến dự án bị phá sản”, ông Thanh nói thêm.

Trước những bất cập tại trạm thu phí QL3, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên, các bộ, cơ quan liên quan và nhà đầu tư khẩn trương thống nhất phương án miễn giảm phí để hoàn vốn cho dự án, tránh lãng phí và phát sinh tăng chi phí đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư, người dân. 

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), thời gian qua, trên cơ sở thống nhất phương án giảm giá giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và nhà đầu tư, Tổng cục ĐBVN đã báo cáo Bộ GTVT phương án miễn, giảm phí của dự án. 

Bộ GTVT đã chấp thuận phương án miễn giảm theo đề xuất của tỉnh Thái Nguyên. Theo phương án đã công bố, đây là dự án có mức và khu vực miễn/giảm phí vào loại lớn nhất trong các dự án BOT trên toàn quốc.

Sửa hợp đồng, chờ và… chờ 

“Đến nay, Tổng cục ĐBVN đã trình Bộ GTVT dự thảo phụ lục hợp đồng dự án, cập nhật phương án tài chính, tính toán thời gian thu phí của dự án là 25 năm 3 tháng (tăng 9 năm 2 tháng so với hợp đồng đã ký là 16 năm 1 tháng). 

Trong đó, các cơ quan liên quan đã thống nhất phân vùng miễn giảm (gồm 101 phường, xã, thị trấn thuộc các huyện Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ và TP Thái Nguyên) với mức giảm 50% - 70% - 100% tùy vị trí, loại phương tiện, loại hình vé (vé quý, vé tháng)”, ông Huyện cho hay.

Giữa tháng 8 vừa qua, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên và các đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp về kế hoạch tuyên truyền và phương án triển khai thu phí tại trạm thu phí QL3. 

Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa chốt thời gian chính thức cho nhà đầu tư tiến hành thống kê, cấp thẻ miễn giảm để tiến hành thu phí. 

Thực tế này, khiến nhà đầu tư đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì mỗi tháng phải trả gần 20 tỷ đồng.

Theo đại diện nhà đầu tư, trong khi chưa có doanh thu để hoàn vốn cho dự án, doanh nghiệp vẫn phải tổ chức các hoạt động khai thác, duy tu, bảo trì tuyến đường, trả lãi vay, nợ gốc, trả lương cho bộ máy quản lý, cho người lao động. 

Trong hơn một năm qua, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã phải vay mượn bằng nhiều nguồn kinh phí để trả lãi vay, trả nợ gốc cho ngân hàng. 

Do dòng tiền không đảm bảo, Cienco 4 -  một doanh nghiệp uy tín của ngành GTVT, nhà đầu tư chính của dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giá cổ phiếu của Cienco 4 có thời điểm hơn 13 nghìn đồng/cổ phiếu, hiện chỉ còn hơn 6 nghìn đồng/cổ phiếu.

Mới đây, trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Vụ Đối tác công tư, Bộ GTVT cho hay, Bộ GTVT đã duyệt xong tài liệu tuyên truyền. 

Nếu địa phương tuyên truyền quyết liệt, doanh nghiệp làm sớm khâu cấp thẻ miễn giảm cho người dân, Bộ GTVT sẽ ra quyết định cho thu phí vào ngày 20/10. 

Tuy nhiên, đến tận ngày 16/10, tỉnh Thái Nguyên mới ban hành kế hoạch tuyên truyền và chưa biết khi nào tuyên truyền xong. Hạn ra quyết định cho dự án thu phí của Bộ GTVT đã trôi qua và chủ đầu tư lại tiếp tục… chờ.

Dù quá trình triển khai các dự án BOT thời gian qua nhiều bất cập, gây bức xúc cho nhân dân nhưng sự chậm trễ, quan điểm thiếu kiên quyết của Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương liên quan khiến nhiều chủ đầu tư buộc phải kêu cứu vượt cấp.

Cách đây gần tròn một năm, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông và dự án nâng cấp hầm Hải Vân 1 kết hợp xây mới hầm Hải Vân 2), vừa kiến nghị Bộ GTVT thực hiện đúng cam kết đã ký với nhà đầu tư, nếu không sẽ báo cáo Thủ tướng và xin trả lại các dự án.

Ngay sau đó, Công ty BOT Thái Nguyên – Chợ Mới cũng có công văn gửi Chủ tịch Quốc hội đề nghị hỗ trợ.

"Để dự án không bị đổ vỡ, doanh nghiệp phá sản, vì lợi ích của hơn 800 cổ đông và đời sống của hơn 6.500 cán bộ, nhân viên, người lao động…, đại diện tập thể các cử tri là cổ đông và cán bộ công nhân viên người lao động, kính đề nghị Chủ tịch Quốc hội xem xét chỉ đạo các cơ quan ban ngành có liên quan giải quyết, để dự án được hoàn vốn theo đúng cam kết của hợp đồng mà Nhà nước đã ký kết với nhà đầu tư"- văn bản của Công ty BOT Thái Nguyên – Chợ Mới gửi cách đây một năm nêu.

Bảo An