Gần 500 tỉ đồng dùng để duy tu, bảo dưỡng dự án BOT Quốc lộ 19
Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 (BOT Quốc lộ 19) đoạn Km 17+027 - Km 50 trên địa phận tỉnh Bình Định và đoạn KM 108 - Km 131+300 trên địa phận tỉnh Gia Lai theo hình thức hợp đồng BOT do Tổng công ty 36 - CTCP làm chủ đầu tư.
Cần khoảng 500 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng Quốc lộ 19 trong 15 năm tới.
Tổng mức đầu tư của dự án 1.460 tỷ đồng, trong đó: vốn của nhà đầu tư là 279,5 tỷ đồng; vốn vay ngân hàng và vốn khác là 1.180,5 tỷ đồng; thời gian hoàn vốn là 20 năm 6 tháng 19 ngày.
BOT Quốc lộ 19 bắt đầu thực hiện thu phí hoàn vốn đầu tư dự án từ 01/6/2016 theo Quyết định số 1626/QĐ-BGTVT ngày 25/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Theo thông tin từ Tổng công ty 36 - CTCP, qua hơn ba năm thu phí hoàn vốn dự án, doanh thu thu phí giảm do thay đổi chính sách từ cơ quan nhà nước bắt buộc doanh nghiệp BOT phải thực hiện như:
Ngày 15/9/2015 Bộ Tài chính ra Thông tư số 146/2015/TT-BTC giảm giá phí so với mức thu phí quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013. Đây là một nguyên nhân phá vỡ phương án tài chính ban đầu của hợp đồng BOT.
Đến ngày 12/9/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 136/TT-BTC quy định mức thu phí đường bộ mới giảm so với mức thu phí tại Thông tư 146/2015/TT-BTC. Một lần nữa doanh thu từ việc thu phí dự án này lại giảm thêm (tính đến 30/9/2018 giảm khoảng 14 tỷ đồng).
Theo điều khoản Phụ lục hợp đồng BOT số 01, mỗi năm tăng giá thu phí 3%, ba năm tăng giá một lần tương đương 9%. Tuy nhiên Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ trưởng BGTVT quy định biểu giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ, khiến chủ đầu tư không thể tăng được giá vé theo Hợp đồng BOT.
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP Bộ GTVT yêu cầu ký Phụ lục Hợp đồng BOT về việc giảm phí cho các đối tượng nằm trong phạm vi bán kính 5Km xung quanh trạm thu phí, đã làm giảm khoảng 5% doanh thu. Không những vậy, người dân địa phương tự ý mở đường tránh trạm thu phí khiến doanh thu bị ảnh hưởng.
Trong khi, theo Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Viettinbank thời hạn cho vay dự án là 13 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên, trong khi đó thời gian hoàn vốn theo phương án tài chính của Hợp đồng BOT là 20 năm 6 tháng 19 ngày dẫn đến không cân đối được thu chi.
Theo Tổng công ty 36 – CTCP cho biết, do những khó khăn trên khiến hiện nay số thu thực tế không đủ để trả nợ gốc và lãi ngân hàng. Tính từ 1/6/2016 đến 30/5/2019, Tổng công ty đã phải bù đắp thiếu hụt trả nợ ngân hàng số tiền 92 tỷ đồng. Còn doanh nghiệp dự án lỗ năm 2016, 2017, 2018 là 65 tỷ tổng số tiền bù đắp thiếu hụt và lỗ là 157 tỷ đồng.
Không những vậy, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa (tháng 12/2019), Quốc lộ 19 hết thời gian bảo hành, trong thời gian tới nhà đầu tư phải duy tu bảo dưỡng tuyến đường theo hợp đồng BOT đã được ký kết.
Theo hợp đồng BOT, hết thời gian bảo hành, năm 2019 chủ đầu tư phải trung tu với kinh phí 35,83 tỷ đồng. Đến năm 2027 là đợt đại tu với kinh phí 371,97 tỷ đồng và năm 2035 sẽ phải chi 57,49 tỷ đồng để trùng tu.
Với thực trạng thu phí như vậy, cho đến 30/5/2019 nhà đầu tư đã lỗ và bù đắp thiếu hụt trả ngân hàng 157 tỷ đồng. Trong khi, thời gian tới nhà đầu tư phải bỏ ra số tiền 465,29 tỷ để duy tu bảo dưỡng tuyến đường thì không hiểu nhà đầu tư sẽ lấy tiền ở đâu để thực hiện?
Mặt khác, việc thực hiện trùng tu, đại tu tuyến đường phục vụ giao thông và việc tăng phí (mỗi năm tăng giá thu phí 3%, 3 năm tăng giá một lần tương đương 9%) đều là điều khoản của hợp đồng BOT đã được ký kết, các bên phải thực hiện.
Tuy nhiên, việc duy tu bảo dưỡng đường thì nhà đầu tư phải thực hiện theo hợp đồng, còn việc thu phí thì nhà đầu tư lại không được thực hiện theo đúng như hợp đồng đã ký kết? Như vậy, bất lợi thuộc về nhà đầu tư là điều hiển nhiên.
Những bất cập trên đang đẩy các khoản vay tín dụng quy mô lớn tại nhiều dự án BOT giao thông mấp mé lâm cảnh nợ xấu.
Theo thống kê số liệu từ Báo cáo tài chính quý II/2019 của 17 ngân hàng đang niêm yết trên sàn cho thấy tính đến ngày 30/6/2019, tổng nợ xấu ở mức gần 81,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm 2019. Vậy nên nếu không có sự vào cuộc ngay lập tức của các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết những khúc mắc tại các dự án BOT giao thông thì e rằng nợ xấu của các ngân hàng sẽ không dừng lại ở mức 81,3 nghìn tỷ mà sẽ còn tăng thêm nhiều nghìn tỷ trong thời gian tới.