Rabobank: Người nuôi tôm khó lòng hoà vốn vì chi phí tăng
Đây là một trong những điểm mấu chốt trong Báo cáo cập nhật Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu 6 tháng cuối năm của ngân hàng Rabobank, được công bố trong tuần trước, theo chuyên trang thuỷ sản The Fish Site.
Theo đó, các chuyên gia của ngân hàng Rabobank cảnh báo nhu cầu thủy sản suy yếu trong 6 tháng cuối năm, cùng với sản lượng tôm tăng dẫn đến giá giảm đáng kể.
Bên cạnh đó chi phí thức ăn, vận chuyển và năng lượng cao liên tục khiên nhiều nông dân nuôi tôm càng trở nên khó khăn hơn.
Những mối lo đối với ngành tôm
Mỹ và EU là yếu tố chính thúc đẩy tiêu tôm vào năm 2021 và đầu năm 2022. Tuy nhiên, nhu cầu có thể sẽ hạ nhiệt trong những tháng còn lại của năm, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, do lạm phát.
Trong khi đó, mặc dù nhập khẩu tôm của Trung Quốc đã được cải thiện mạnh mẽ, nhưng việc nước này theo đuổi chính sách Zero Covid và các chính sách siết chặt nhập khẩu khiến việc dự báo nhu cầu trở nên khó lường hơn.
Về sản lượng, báo cáo lưu ý rằng nguồn cung tôm vẫn có đà tăng trưởng mạnh ở Indonesia, Việt Nam và đặc biệt là Ecuador, ngay cả khi giá bắt đầu điều chỉnh và chi phí đang có xu hướng tăng.
Sản lượng tôm của Ecuador dự kiến tăng thêm 35% trong năm 2022; tương đương tổng sản lượng của nước này trong năm 2021 (vốn đã ở ngưỡng kỷ lục) cộng thêm sản lượng của Thái Lan.
“Nếu nguồn cung tôm tiếp tục mở rộng như trong 6 tháng đầu năm hoặc nhu cầu vẫn giảm do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, chúng tôi cho rằng giá bán sẽ giảm xuống dưới giá thành nuôi tôm. Trong một số trường hợp, điều này đã xảy ra, ”tác giả của báo cáo, ông Gorjan Nikolik nhận định.
Ecuador đang duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng khá nhanh, kéo dài từ năm ngoái đến năm nay.
Mặc dù giá bán giảm đáng kể trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi trong khu vực tăng 15%, Nikolik cho rằng sản lượng của Ecuador trong năm 2022 sẽ đạt kỷ lục mới lên tới 1,3 triệu tấn.
Trong khi đó, các nhà sản xuất tôm của Đông Nam Á có thể dễ bị tổn thương hơn khi nhu cầu giảm và giá thức ăn tăng.
Ông Nikolik lưu ý, sự thay đổi về giá thức ăn chăn nuôi tác động đến các nhà sản xuất ở châu Á chậm hơn so với ở Nam Mỹ. Vì vậy, rất có thể những thay đổi về giá thức ăn không được tính vào khi các chủ ao thả giống vào tháng 4 và tháng 5.
“Họ có giảm quy mô không? Tôi cho rằng họ vẫn cảm thấy lạc quan khi thả giống trong 6 tháng đầu năm và hy vọng kịch bản năm nay sẽ lặp lại như 2021, khi nhu cầu nửa cuối năm tăng trưởng mạnh”Nikolik nói.
Triển vọng dài hạn vẫn tích cực
Tuy nhiên, về dài hạn, ông Nikolik lập luận rằng, người nuôi tôm vẫn có khả năng vượt qua suy thoái kinh tế, triển vọng nhu cầu vẫn sáng sủa.
“Đây là một sản phẩm có rất nhiều thế mạnh. Mọi quốc gia đều tiêu thụ tôm, đặc biệt là Mỹ và Trung Quố và đây là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chúng rất dễ chế biến, không có xương, có kích thước vừa ăn và có thể làm được nhiều món - từ salad, món nhúng đến món khai vị, nhân bánh bao. Chúng không có vị tanh, vì vậy trẻ em , người già đều yêu thích và không có ràng buộc về tôn giáo.
Ngoài ra, tôm được buôn bán đông lạnh và có thể tồn kho đông lạnh trong nhiều tháng, ”ông nói.
Ông cũng chỉ ra rằng nghề nuôi tôm cũng có thể giúp người dân tạo ra của cải và thu nhập ngày một tăng, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển.
“Hãy nghĩ đến tác động xã hội, nghề nuôi tôm tạo ra được rất nhiều công ăn việt làm ở các vùng có thu nhập thấp” ông Nikolik nói.
Do những yếu tố này, ông tin tưởng vào sự thành công lâu dài của ngành.
"Chúng tôi kỳ vọng đây chỉ là những thách thức trong ngắn hạn, còn về dài hạn ngành tôm vẫn có triển vọng rất tươi sáng”, ông Nikolik nói.