Rà soát GS, PGS: Hãy xem xét lại ở những ứng viên bị đánh trượt
Đầu tháng 2/2018, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2017.
Theo đó, tổng số người đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2017 là 1.226 người (trong đó có 85 người đạt tiêu chuẩn GS, 1.141 người đạt tiêu chuẩn PGS). Số lượng này đã tăng khoảng 60% so với năm trước.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận đang xôn xao là về chất lượng đội ngũ GS, PGS thực sự có đồng đều và tất cả những người được vinh danh thực sự xứng đáng hay chưa.
Vì có thông tin đưa ra là khoảng 34% GS và trên 53% PGS được xét duyệt năm nay không có bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế.
Đặc biệt, trong số các GS, PGS được phong tặng năm nay có nhiều người làm quan chức, không tham gia vào công tác giảng dạy. Đặc biệt, có ý kiến còn cho rằng, có tiêu cực trong việc bỏ phiếu ở hội đồng cấp ngành, liên ngành. Chính những điều này đã khiến cho những người trước đây được công nhận chức danh GS, PGS cảm thấy chưa phục và khiến dư luận hoài nghi về “vàng thau” lẫn lộn.
Sau những thông tin trên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS nhà nước nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định rồi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả việc rà soát bước đầu cho thấy, một số hội đồng ngành, liên ngành không phát hiện GS, PGS thiếu tiêu chuẩn và vẫn giữ nguyên quyết định như công bố ban đầu.
Số lượng chức danh giáo sư, phó giáo sư từ năm 2009 đến 2017 |
Hãy rà soát lại ứng cử viên không đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS
Nhận định về kết quả trên, ông Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, các thành viên ở hội đồng liên ngành A,B chưa chắc đã hiểu rõ những ứng viên chức danh GS, PGS ở ngành C nên rất dễ có khả năng người đứng ngành C nói là ứng cử viên nào đó của ngành mình không đạt “về mặt đạo đức”, là các thành viên ở ngành A, B dễ bị nghe theo. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiện tượng lây lan và nạn nhân là các ứng viên.
Do đó, nếu có tiêu cực thì chỉ có thể xảy ra đối với các ứng viên bị trượt chứ khó xảy ra đối với ứng viên đã đạt đủ phiếu bầu. Vì vậy, việc rà soát theo tiêu chuẩn cứng chắc chắn sẽ khó có thể phát hiện sai sót, vì tất cả các ứng viên đều đạt tiêu chuẩn cứng mới được đem ra bỏ phiếu.
Ông Hào Quang tin rằng, cả 28 hội đồng ngành, liên ngành sẽ báo cáo không có tiêu cực vì thực tế các Hội đồng đã xét các tiêu chuẩn cứng rất kỹ.
Theo ông Vũ Hào Quang, để rà soát lại các ứng cử viên có đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS hay không thì Bộ GD-ĐT, Hội đồng chức danh GS nhà nước cần xem xét lại các ứng cử viên đã bị trượt. Đặc biệt là năm nay, những người trượt chức danh GS có nhiều ý kiến.
Chúng ta sẽ thấy, có nhiều ứng viên bị trượt chức danh GS nhưng lại có đầy đủ công trình nghiên cứu khoa học, đạo đức nhà giáo theo đúng quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, vì quan hệ và ứng xử cá nhân với một số thành viên hội đồng ngành, liên ngành có thể “không tốt” nên bị trượt. Các hội đồng ngành, liên ngành cần trả lời câu hỏi vì sao không bỏ phiếu cho các ứng cử viên đạt đủ tiêu chuẩn xét đạt chức danh GS, PGS.
Ông Vũ Hào Quang khẳng định, bất cập trong việc phong chức danh GS, PGS vẫn còn là ở cơ chế “nhiệm kỳ”. Có người tham gia Hội đồng chức danh GS ngành có nhiệm kỳ không chỉ 5 năm mà có thể lên đến 10 năm,15 năm.
Nếu người ngồi lâu như vậy trong Hội đồng mà lại có tư tưởng “cá nhân chủ nghĩa”, bỏ phiếu vì quan hệ riêng tư cá nhân chứ không phải vì khoa học thì sẽ “khốn cùng cho các ứng viên” đặc biệt là những ứng viên có quan điểm khoa học độc lập, có lối sống thẳng thắn. Thực tế, các nhà khoa học chân chính thường là người có bản lĩnh, dám bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình nên đôi khi không được lòng nhiều người.
Đặc biệt, cơ chế bỏ phiếu ở Hội đồng ngành liên ngành là bỏ phiếu kín với số phiểu tối thiểu là 3/4 ủy viên Hội đồng, do đó khả năng trượt là rất cao. Nếu chúng ta thống kê số người trượt chức danh GS ở cấp ngành và liên ngành từ năm 1985 đến nay sẽ thấy hiện tượng trượt GS ở cấp này nhiều như thế nào.
Việc nhiều người bị trượt GS 2,3,4 lần đã nói lên tính khốc liệt của “cuộc xét duyệt này”. Việc bỏ phiếu kín với tỷ lệ tối thiểu 3/4 số ủy viên Hội đồng ngành, liên ngành không nói lên chất lượng của các công trình khoa học mà chỉ nói tới một phạm trù “mơ hồ về đạo đức” theo đánh giá cá nhân, chủ quan của ủy viên Hội đồng. Do vậy, các nhân tố gọi là “đạo đức” cần phải thao tác để đo đạc bằng các điểm số thì mới khách quan và minh bạch.
Năm 2017 là năm có số lượng ứng viên cao nhất tính từ năm 1985 đến nay, và cũng là năm cuối theo tiêu chuẩn cũ nên nó bộc lộ những bất cập trong cơ chế xét duyệt và bỏ phiếu trong việc phong chức danh GS, PGS khiến nhiều người có ý kiến.
Ông Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam |
“Tôi có bằng chứng về tiêu cực trong xét chức danh PGS, GS. Bằng chứng của tôi là: Điểm khoa học và đào tạo xét trong Hội đồng chức danh GS liên ngành đạt 40,6; có 3 bài báo quốc tế trong đó có 1 bài ISA, chưa kể 3 bài khác đăng trong kỷ yếu các hội thảo quốc tế, điểm thi tiếng Nga, tiếng Anh đều tốt.
Tôi tốt nghiệp Tiến sĩ năm 1993, được phong PGS năm 2004, làm cán bộ giảng dạy ĐH từ 1984, làm phó chủ nhiệm rồi chủ nhiệm khoa Xã hội học trường ĐH học Khoa học Xã hội & Nhân văn hơn hai nhiệm kỳ, làm Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Dư luận xã hội năm 2007 đến năm 2014, là thương binh chống Mỹ cứu nước hạng 3/4, nhưng bị bỏ phiếu trượt ở Hội đồng liên ngành.
Vậy tôi thiếu điểm đạo đức gì? Những người gạch tên tôi khỏi danh sách GS liệu có phẩm chất đạo đức cách mạng và đóng góp cho khoa học hơn tôi không? Ngoài ra, tôi được biết, một số người khác (đồng nghiệp của tôi) rất giỏi chuyên môn, đạo đức cũng không có vấn đề gì bị phê phán, thế mà vẫn trượt trong các Hội đồng 2,3, 4 lần. Tôi cho rằng, cơ chế nhiệm kỳ Hội đồng 5 năm cùng với việc bỏ phiếu kín với 3/4 số phiếu là cơ hội cho một số người suy thoái đạo đức, lối sống thực hiện hành vi tiêu cực. Mặc dù tôi vẫn thừa nhận đa số trong Hội đồng là những người tốt, xứng đáng là ủy viên Hội đồng liên ngành", ông Hào Quang tiết lộ.
Nên bỏ hội đồng ngành, liên ngành mà giao về các trường ĐH
Để việc phong tặng chức danh GS, PGS đúng thực chất, ông Vũ Hào Quang cho rằng, GS, PGS là những người có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực GD-ĐT nên Nhà nước không nên nhất thiết đề bạt cán bộ quản lí phải gắn liền với học hàm, học vị. Vì hai lĩnh vực quản lí và khoa học là khác nhau. Người làm khoa học giỏi nhưng làm quản lí chưa chắc đã tốt.
Nhiều người không có chức danh GS, PGS nhưng vẫn có phát minh sáng kiến có ứng dụng tốt trong sản xuất, có ích cho xã hội. Nhiều người có chức danh GS, PGS, làm nhiều đề tài hàng tỷ đồng nhưng chẳng có ứng dụng gì, “đề tài nghiệm thu xong cho vào ngăn kéo”.
Việc phong chức danh GS, PGS không công bằng, minh bạch không chỉ làm tổn thất tiền của của Nhà nước mà quan trọng hơn nó làm méo mó nền giáo dục và khoa học, mất lòng tin của các nhà khoa học chân chính.
Theo ông Hào Quang, không nên để Hội đồng liên ngành và ngành mà chỉ để Hội đồng hai cấp là cơ sở và Nhà nước và mỗi năm thành lập một Hội đồng khác nhau. Những người được vào Hội đồng cần được tham khảo ý kiến các tiến sĩ, PGS, GS cấp cơ sở. Ai phiếu cao hơn sẽ được chọn vào thành viên Hội đồng. Hội đồng cấp Nhà nước chỉ giám sát và bỏ phiếu thông qua danh sách các ứng viên được bầu từ Hội đồng cơ sở với số phiếu quá bán.
Để nâng cao chất lượng GS, PGS cần nâng cao tiêu chuẩn điểm khoa học và thâm niên khoa học lên từ 2 đến 2,5 lần. Số lượng các bài báo khoa học đạt tiêu chuẩn quốc tế (ISI, Scopus và tương đương) ít nhất là 2 đối với ứng viên PGS và 5 đối với GS. Số công trình khoa học quốc tế của các khoa học tự nhiên và kỹ thuật, công nghệ phải cao hơn khoa học xã hội 1,5 lần.
Số năm thâm niên đối với ứng viên khoa học xã hội phải cao tối thiểu 6 năm (thay vì 3 năm như hiện nay) đối với PGS; 8 năm thâm niên PGS đối với ứng viên GS, vì khoa học xã hội cần trải nghiệm xã hội. Số phiều tín nhiệm chỉ cần quá bán để hạn chế “những quan hệ xã hội phức tạp” làm mất đi sự trong sáng của các lá phiếu.
Hiện nay, việc phong tặng chức danh GS, PGS được thực hiện ở 3 hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở; hội đồng cấp ngành, liên ngành; hội đồng cấp Nhà nước.
Ông Vũ Hào Quang cũng đề nghị, việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS phải phù hợp với số lượng học viên đào tạo sau ĐH. Việc phong tặng chức danh GS, PGS nên đưa về các trường ĐH, các học viện đủ tiêu chuẩn chất lượng thực hiện sau 5 năm nữa. Còn từ năm 2018 nên tổ chức mô hình Hội đồng hai cấp là cơ sở và Nhà nước.
Bởi hội đồng cấp cơ sở là nơi hiểu rõ nhất những người nào giảng dạy, nghiên cứu khoa học, có đủ năng lực phẩm chất tốt để bình bầu. Sau đó, trường ĐH, học viện sẽ đề xuất ứng viên đạt chức danh GS, PGS lên Hội đồng cấp Nhà nước để thẩm định lần cuối.
Số phiếu ở cả hai cấp chỉ cần quá bán, những tiêu chí khoa học và thâm niên khoa học phải tăng từ 2 đến 2,5 lần so với hiện nay. Chúng ta nên bỏ qua quy trình bình bầu ở hội đồng cấp ngành, liên ngành vì những tiêu cực về quy trình bỏ phiếu và “quan hệ xã hội” như đã đề cập ở trên.