Quyết thâu tóm Twitter, tỷ phú Elon Musk lên sẵn phương án B phòng trường hợp lời đề nghị 43 tỷ USD bị từ chối
Giám đốc điều hành Tesla, tỷ phú Elon Musk đã thừa nhận vào ngày 14/4 tại hội nghị TED2022 ở Vancouver rằng ông "không chắc" mình thực sự có thể mua được Twitter hay không, theo CNBC.
Các bình luận được đưa ra chỉ vài giờ sau khi một hồ sơ quy định tiết lộ rằng người giàu nhất thế giới đã gửi đề nghị mua lại công ty truyền thông mạng xã hội với giá 54,20 USD/cổ phiếu, tương đương mức định giá khoảng 43 tỷ USD.
Kế hoạch "B"
Twitter xác nhận rằng họ đã nhận được giá thầu, nhưng hội đồng quản trị của công ty vẫn phải xem xét lại lời đề nghị. Vốn định giá cổ phiếu được đưa ra bởi Elon Musk thấp hơn nhiều so với mức 70 USD/cổ phiếu mà họ đạt được vào mùa hè năm ngoái. Dù vậy, Elon Musk đã nói rằng đây là lời đề nghị "tốt nhất và cuối cùng" của ông.
Cuối ngày 14/4, Giám đốc điều hành Twitter Parag Agrawal được cho là đã nói với các nhân viên trong một cuộc họp nội bộ rằng công ty đang đánh giá lời đề nghị của CEO Tesla.
Khi được phóng viên Chris Anderson của TED hỏi liệu có “Kế hoạch B” nếu lời đề nghị hiện tại của mình bị từ chối hay không, tỷ phú Elon Musk đã trả lời rõ ràng, “có”. Dù vậy, ông từ chối giải thích chi tiết kế hoạch.
Bất chấp giá trị khối tài sản ròng khổng lồ của bản thân, phần lớn tài sản của Elon Musk không có tính thanh khoản, khiến một số nhà phân tích tự hỏi làm thế nào ông có thể huy động đủ tiền mặt nếu mức giá thầu được chấp nhận. Chẳng hạn, các nhà phân tích của Wells Fargo cho biết rằng Elon Musk có thể phải bán cổ phiếu Tesla để có vốn hoặc phải thực hiện một khoản vay khổng lồ.
Ông Anderson đã hỏi liệu Elon Musk có "nguồn tài chính được bảo đảm" hay không, ám chỉ đến các dòng tweet khét tiếng của CEO Tesla khi ông từng đề cập đến việc đưa Tesla trở thành công ty tư nhân, điều sau đó đã khiến người giàu nhất thế giới phải hứng chịu các án phạt từ Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ.
“Tôi có đủ tài sản đảm bảo. Tôi có thể mua lại Twitter nếu được chấp thuận”, CEO Tesla nhấn mạnh.
Tỷ phú Elon Musk nói thêm về dòng tweet đưa Tesla trở thành công ty tư nhân trước đó, "nguồn vốn thực sự đã được đảm bảo" và giải thích lý do ông không "tôn trọng SEC trong tình huống đó”. Dù vậy, CEO Tesla dường như đã đi quá xa khi gọi một số người ở cơ quan là “những tên khốn”.
Tháng 9/2018, SEC buộc tội Elon Musk vì đưa ra những tuyên bố "sai sự thật và gây hiểu lầm" cho các nhà đầu tư khi ông thông báo qua Twitter rằng đang cân nhắc đưa Tesla thành công ty tư nhân với giá 420 USD/cổ phiếu và đã được bảo đảm nguồn tiền tài trợ. Cuối cùng, cả Elon Musk và Tesla đã đồng ý thỏa thuận với chính phủ và sửa đổi nó vào năm 2019.
Theo các điều khoản, Elon Musk và Tesla mỗi người phải nộp 20 triệu USD tiền phạt cho SEC, đồng thời CEO Tesla phải tạm thời từ bỏ vai trò chủ tịch hội đồng quản trị của công ty.
Tháng 6/2020, SEC cho biết Elon Musk đã vi phạm một số điều khoản của thỏa thuận yêu cầu CEO phải phê duyệt trước các tweet nếu chúng chứa thông tin kinh doanh quan trọng về Tesla có khả năng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Elon Musk đã đăng những dòng tweet có nội dung cho rằng giá cổ phiếu của Tesla đang quá cao, điều này đã khiến cổ phiếu giảm giá ngay sau đó.
SEC hiện đang điều tra tỷ phú người Nam Phi về việc sử dụng Twitter cá nhân đề chi phối trong thời gian giao dịch của bản thân.
“Tôi không có ý đổ lỗi cho tất cả mọi người tại SEC, nhưng chắc chắn phải là văn phòng San Francisco. Đó là bởi vì SEC biết rằng tiền tài trợ đã được bảo đảm, nhưng họ vẫn theo đuổi một cuộc điều tra tích cực, công khai. Vào thời điểm đó, Tesla đang ở trong tình trạng tài chính bấp bênh và tôi được các ngân hàng cho biết rằng nếu tôi không đồng ý dàn xếp với SEC thì các ngân hàng sẽ ngừng cung cấp vốn lưu động và Tesla sẽ phá sản ngay lập tức. Vì vậy, điều đó giống như việc “dí súng vào đầu con bạn”. Tôi buộc phải nhượng bộ SEC một cách trái pháp luật, “những tên khốn đó”, tỷ phú Elon Musk nhấn mạnh.
Phía SEC đã từ chối đưa ra bình luận.
Tầm nhìn của Elon Musk với Twitter
Tỷ phú người Nam Phi cũng đặt ra tầm nhìn của mình cho Twitter nếu thành công trong việc giành quyền kiểm soát.
“Tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là phải có một nơi toàn diện cho tự do ngôn luận”, CEO Tesla chia sẻ.
Ông thừa nhận cần phải kiểm duyệt nội dung ở một mức độ nào đó, như xung quanh các lời kêu gọi bạo lực rõ ràng và cho biết dịch vụ sẽ phải tuân thủ luật pháp của các quốc gia nơi mà Twitter hoạt động.
Tuy nhiên, tỷ phú Elon Musk nói rằng muốn thấy các chính sách và thuật toán của nền tảng này trở nên cởi mở và dễ tiếp cận hơn để mọi người có thể nói lên quan điểm của bản thân.
Người giàu nhất thế giới cho biết nếu một tweet bị thay đổi theo một cách nào đó thì cần phải có thông tin đính kèm và lời giải thích. Twitter đã đính kèm các liên kết đến những chính sách của mạng xã hội này khi cố gắng xóa hoặc gắn nhãn một bài đăng vi phạm nguyên tắc.
Bên cạnh đó, tỷ phú Elon Musk cho biết một trong những ưu tiên hàng đầu của ông là loại bỏ các chương trình thư rác và lừa đảo trên nền tảng mạng xã hội này. Twitter hiện chưa đưa ra bình luận.