Quỹ quốc gia lớn nhất thế giới lãi 143 tỷ USD nhờ cơn sốt AI
Trong 6 tháng đầu năm nay, quỹ đầu tư quy mô 1.400 tỷ USD của Na Uy đã được hưởng lợi lớn nhờ sự bùng nổ của lĩnh vực công nghệ, mà dẫn đầu là các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI).
Gã khổng lồ này đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng sau khi thua lỗ nặng nề vào năm 2022, một trong những năm tồi tệ nhất từ trước đến nay của quỹ, Fortune nhấn mạnh.
Cụ thể, theo thông báo vào ngày 16/8, quỹ đầu tư quốc gia Na Uy đã ghi nhận lợi nhuận 10% trong nửa đầu năm 2023, đạt 1,5 tỷ kroner (tương đương 143 tỷ USD). Để so sánh, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng khoảng 16% trong 6 tháng đầu năm nay.
Danh mục đầu tư chứng khoán của quỹ quốc gia Na Uy bật tăng gần 14%, trong khi các tài sản trả thu nhập cố định tăng hơn 2%.
Song, lợi nhuận của quỹ giảm sút phần nào do đầu tư vào các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết lỗ 4,6% và đầu tư vào các công ty năng lượng tái tạo chưa niêm yết thiệt hại 6,5%.
Phần lớn nguồn vốn của quỹ đầu tư quốc gia Na Uy đến từ doanh thu bán dầu mỏ và khí đốt ở vùng Biển Bắc.
Tại ngày 30/6, quỹ được định giá 15,3 tỷ kroner (tương đương 1.400 tỷ USD), với 71% giá trị đến từ danh mục cổ phiếu.
Theo hãng tin Reuters, quỹ này có quy mô gần gấp ba lần nền kinh tế Na Uy và đang nắm giữ khoảng 1,5% lượng cổ phiếu trên toàn thế giới.
Trong giai đoạn từ năm 1998 đến tháng 6/2023, quỹ ghi nhận tỷ suất sinh lời trung bình hàng năm là gần 6%.
Song, vào năm ngoái - khi chứng khoán toàn cầu lao dốc nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - quỹ quốc gia Na Uy đã lỗ 14%. Đây là kết quả tồi tệ thứ hai trong lịch sử, sau khoản lỗ 23% vào năm 2008.
Gã khổng lồ đầu tư này cho biết đà tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán đã tạo cú hích cho quỹ trong nửa đầu năm 2023.
Họ lưu ý rằng cơn sốt AI đã thúc đẩy các cổ phiếu công nghệ, mà nhóm này hiện chiếm một tỷ trọng đáng kể trong danh mục đầu tư của quỹ.
Tại ngày 30/6, Apple là cổ phiếu mà quỹ đầu tư quốc gia Na Uy nắm giữ nhiều nhất, trong khi Microsoft, công ty mẹ của Google là Alphabet, Amazon và Nvidia - tất cả đều được hưởng lợi từ AI tạo sinh - nắm giữ 4 vị trí còn lại trong top 5.
Ngoài ra, quỹ còn có cổ phần lớn trong công ty mẹ của Facebook là Meta, hãng xe điện Tesla và đại gia ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase.
Trong khi đó, chứng khoán trả thu nhập cố định lớn nhất mà quỹ nắm giữ là trái phiếu Kho bạc Mỹ, tiếp theo là trái phiếu chính phủ Nhật Bản, Đức và Anh.
“Thị trường chứng khoán đã tăng rất mạnh trong nửa đầu năm nay, sau một năm 2022 yếu kém”, ông Nicolai Tangen, CEO của Norges Bank Investment Management (đơn vị quản lý quỹ trên), bày tỏ.
“Đặc biệt, cổ phiếu công nghệ đã chứng kiến mức tăng trưởng vượt trội, chủ yếu là do nhu cầu ngày càng lớn của thế giới với các giải pháp mới trong lĩnh vực AI”, ông Tangen nói thêm.
Nhóm cổ phiếu công nghệ trong danh mục của quỹ đã nhảy vọt 38,6% trong nửa đầu năm, trong khi các cổ phiếu tiêu dùng tuỳ ý đạt tỷ suất sinh lời hơn 20%.
Trong một tuyên bố riêng về AI, quỹ cho biết họ tin rằng việc phát triển và sử dụng công nghệ này một cách có trách nhiệm sẽ “là yếu tố quan trọng giúp thị trường hoạt động tốt”.
“Trong tương lai, [AI] nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời của các khoản đầu tư mà quỹ đã thực hiện.
Chúng tôi ủng hộ việc xây dựng một khung pháp lý toàn diện cho AI, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp đổi mới và giảm bớt các tác động bất lợi”, tuyên bố có đoạn.