|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Quỹ Pyn Elite Fund vừa trải qua năm tồi tệ nhất sau 10 năm đặt chân đến Việt Nam, 2023 đặt cược vào nhóm ngân hàng

08:00 | 07/01/2023
Chia sẻ
Quỹ ngoại Pyn Elite Fund vừa công bố báo cáo đầu tư tháng 12 với kết quả tích cực khi đi ngược xu hướng chung của thị trường. Song thành tích này không thể giúp quỹ ngoại đến từ Phần Lan này tránh được 2022 tồi tệ nhất trong 10 năm đầu tư tại Việt Nam.

Pyn Eilte Fund có tỷ suất lợi nhuận – 28,3% năm 2022

Trong tháng cuối năm 2022, hiệu suất của quỹ Pyn Elite Fund đạt 1,1% trong khi VN-Index giảm 3,9%. Những cổ phiếu tác động tích cực nhất đến hiệu suất chung của quỹ là STB, SCS và VEA. Chiều ngược lại, VRE, VHM và MIG tác động tiêu cực lên kết quả của Pyn.

Tháng 12 đánh dấu hai tháng liên tiếp quỹ Pyn đạt hiệu suất dương. Tháng 11, tỷ suất lợi nhuận của quỹ cao nhất trong năm lên đến 10,99% đến từ việc thị trường hồi phục sau hai tháng lao dốc.

 Tỷ suất lợi nhuận theo tháng của quỹ Pyn Elite Fund. Nguồn: Pyn.

Quan sát trong năm vừa qua, quỹ Pyn Elite Fund có 7/12 tháng ghi nhận hiệu suất âm, đỉnh điểm trong tháng 9 (-13,19%). Tính chung cho cả năm 2022, hiệu suất của Pyn Elite Fund là – 28,3%. Đây là kết quả kém nhất của quỹ trong chặng đường 10 năm đầu tư ở Việt Nam (2013 – 2022).

Năm 2022 cũng là năm đánh dấu chặng đường 10 năm đầu tư tại Việt Nam. Kể từ khi đặt chân đến Việt Nam vào năm 2013, Pyn chỉ có 3 năm ghi nhận hiệu suất âm vào các năm 2015 (- 7,19%), 2018 (-9,92%) và 2022 (-28,28%). Năm ngoái đánh dấu mức tỷ suất lợi nhuận ấn tượng nhất với 42,68%. Theo đó, tỷ suất bình quân năm 10 năm qua của Pyn Elite Fund đạt 10,17%.

Trước đó, quỹ ngoại này đầu tư tại các thị trường như Thái Lan, Trung Quốc. Nếu tính từ thời điểm bắt đầu vận hành vào tháng 2/1999, tỷ suất bình quân của Pyn Elite Fund là 16,61%.

Kết quả kém sắc nhưng vẫn tốt hơn nhiều quỹ lớn

Những con số kém tích cực trên được thể hiện thông qua so sánh dữ liệu lịch sử của quỹ. Nhưng nếu so với mặt bằng chung của thị trường, năm 2022 cũng tạm coi như thành công của quỹ.

Thứ nhất, Pyn Elite Fund nằm trong nhóm quỹ đầu tư lớn chiến thắng VN-Index. Mức giảm của hai chỉ số được quan tâm nhất thị trường là VN-Index và VN30-Index trong năm qua lần lượt là 32,8% và 33,9%.

Thứ hai, quỹ đến từ Phần Lan có kết quả đầu tư khởi sắc hơn nhiều quỹ lớn trên thị trường, tiêu biểu như nhóm Dragon Capital. So sánh trong nhóm quỹ ngoại có quy mô trên 100 triệu USD, thành tích của Pyn Elite Fund chỉ kém hơn các quỹ như VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) (-20,33%), Lumen Vietnam Fund (-26,1%).

 Tỷ suất lợi nhuận của các quỹ đầu tư năm 2022. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Trong khi đó, kết quả của Pyn tốt hơn đáng kể nhiều quỹ như JPMorgan Vietnam Opportunities (-38,4%), VEIL - Dragon Capital (-35,7%), CTBC Vietnam Equity Fund (-34,6%), Vietnam Equity (UCITS) Fund (VEF) (-35,4%).

Có thời điểm trong năm nay, quỹ Pyn Elite Fund từng gia nhập nhóm quỹ quy mô tỷ USD trên thị trường cùng với VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) và VEIL - Dragon Capital. Tuy nhiên, việc thị trường giảm điểm mạnh kể từ đầu tháng 4 khiến quỹ ngoại đến từ Phần Lan không còn giữ được quy mô trên.

Tính đến cuối năm 2022, giá trị tài sản thuộc quyền quản lý của quỹ Pyn Elite Fund là 682,2 triệu Euro (724,4 triệu USD, hơn 17.000 tỷ đồng).

 Top10 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ Pyn Elite Fund (Phần Lan) cuối năm 2022. Nguồn: Báo cáo tháng Pyn.

Danh mục tập trung phần lớn vào cổ phiếu ngân hàng

Về danh mục đầu tư, cổ phiếu ngân hàng được xem như nhóm ưa thích nhất của quỹ ngoại đến từ Phần Lan. Đây là nhóm ngành thường xuyên được quỹ duy trì với tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư.

Tại ngày 31/12/2022, trong 10 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ Pyn Elite Fund có tới 5 cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, mã CTG của VietinBank chiếm tỷ trọng lớn nhất với 18%. Đứng thứ ba về tỷ trọng là cổ phiếu STB của Sacombank với 9,6%.

Nửa dưới bảng xếp hạng Top10 có các cổ phiếu vua khác là TPB (7,2%), MBB (5,9%) và HDB (3,3%). Tổng tỷ trọng của 5 mã ngân hàng này là 44%. Con số này cao hơn khi Pyn phân bổ 3,3% danh mục vào SSIAM VNFin Lead ETF. Đây là rổ chỉ số chiếm phần đông cổ phiếu nhóm ngân hàng và chứng khoán.

So với danh mục của nhiều quỹ đầu tư khác trên thị trường, việc phân bổ gần 50% vào nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng là một tỷ trọng cao, được xem như quyết định “tất tay” của Pyn. Diễn biến của nhóm cổ phiếu vua sẽ quyết định đáng kể hiệu suất của quỹ trong năm 2023.

Ngoài nhóm ngân hàng, hai cổ phiếu họ Vingroup cũng được mua vào với tỷ trọng lớn là VHM (15,9%) và VRE (8,5%). Những khoản đầu tư khác trong danh mục của quỹ là ACV, VEA, MIG.

Hoàng Linh