|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Quỹ mới tại Mỹ tập trung rót vốn vào cổ phiếu bất động sản, đánh giá chứng khoán Việt Nam nhiều tiềm năng

11:30 | 05/03/2022
Chia sẻ
Quỹ Global X MSCI Vietnam ETF ( VNAM) được thành lập vào ngày 7/12/2021 tập trung vào 7 ngành bao gồm bất động sản, tài chính, tiêu dùng, tài Nguyên, công nghiệp, tiện ích và năng lượng.

Một ETF chuyên về cổ phiếu bất động sản

Trong những năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm từ các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài bởi những tiềm năng về sự tăng trưởng. Hàng loạt quỹ ngoại được mở ra trong hai năm gần đây như Fubon FTSE Vietnam ETF, CTBC Vietnam Equity Fund, cùng với đó là sự xuất hiện của loạt quỹ ETF nội.

Không quá ồn ào như các quỹ mở mới trước đó, giới đầu tư dường như không có nhiều thông tin về Global X MSCI Vietnam ETF (VNAM). Đây là ETF được thành lập vào ngày 7/12/2021 và niêm yết trên sàn giao dịch hàng đầu tại Mỹ là NYSE Arca ngày 9/12/2021. 

Về quy mô, tài sản thuộc quyền quản lý (AuM) tính tới cuối tháng 1 đạt khoảng 5,3 triệu USD.

Quỹ đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam là thị trường mới nổi và đầy tiềm năng - Ảnh 2.

Danh mục đầu tư của Global X MSCI Vietnam ETF. Nguồn: VNAM.

Danh mục đầu tư của quỹ tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ tại thị trường Việt Nam và sử dụng MSCI Vietnam IMI Select 25/50 Index là chỉ số tham chiếu.

Hiện tại danh mục của quỹ tập trung vào 7 ngành bao gồm bất động sản, tài chính, tiêu dùng, tài nguyên, công nghiệp, tiện ích và năng lượng. 

Trong đó, ngành bất động sản đang đứng đầu danh mục với tỉ trọng 34,32%, tiếp sau đó là ngành tài chính, tiêu dùng và tài nguyên ở mức lần lượt là 18,06%, 16,98% và 14,53%. 

Quỹ mới tại Mỹ tập trung rót vốn vào cổ phiếu bất động sản, đánh giá chứng khoán Việt Nam nhiều tiềm năng - Ảnh 2.

Top10 khoản đầu tư lớn nhất của Global X MSCI Vietnam ETF. Nguồn: VNAM.

Trong cơ cấu danh mục tại ngày 3/3, cổ phiếu HPG đang chiếm tỉ trọng lớn nhất với 11,37%, tiếp theo là VHM (8,3%), VIC (7,35%), MSN (6,43%), VNM (6,03%), NVL (4,41%). Duy nhất cổ phiếu ngân hàng trong Top10 mã có tỷ trọng lớn nhất là VCB với 4,63%. Các khoản đầu tư lớn của quỹ còn có VRE, SSI và THD. 

Về hiệu quả đầu tư, trong hai tháng đầu năm nay, Global X MSCI Vietnam ETF (VNAM) có tỷ suất lợi nhuận âm 4,98%.

Góc nhìn của quỹ về Việt Nam

Đánh giá về việc lựa chọn Việt Nam, ban lãnh đạo của quỹ kỳ vọng Việt Nam có thể trở thành một cường quốc trong khu vực Châu Á. Mặc dù có những sự khác biệt về kinh tế và chính trị, Việt Nam vẫn được xem như một đất nước tiềm năng có khả năng phát triển và tăng trưởng như Trung Quốc. 

Các nhà đầu tư cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang ở trong giai đoạn tăng trưởng giống như Trung Quốc cách đây 10 - 15 năm. Việt Nam là một thị trường mới nổi tiềm năng với nhiều lợi thế về kinh tế và thị trường chứng khoán.

Lợi thế về nền kinh tế, Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng, được kỳ vọng sẽ tăng trường 6% trong giai đoạn 2022 - 2025 dựa trên những luận điểm sau: 

Thứ nhất, Việt Nam có thế mạnh đặc biệt về sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực điện thoại thông minh và linh kiện điện tử. Thứ hai, sự tăng trưởng nền kinh tế tại Việt Nam đã tạo ra một tầng lớp trung lưu hiểu biết về công nghệ và sáng tạo. 

Thứ ba, các nhà hoạch định chính sách đang thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số với kỳ vọng mảng này sẽ đóng góp 30% GDP của Việt Nam vào năm 2030. 

Cuối cùng, lợi thế thương mại của Việt Nam khi thị phần xuất khẩu của Việt Nam cùng GDP cao thứ ba trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, chỉ đứng sau Singapore và Hồng  Kông. 

Quỹ đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam là thị trường mới nổi và đầy tiềm năng - Ảnh 7.

So sánh chứng khoán Việt Nam với một số thị trường khác trong khu vực. Nguồn: VNAM.

Về thị trường chứng khoán, mặc dù Việt Nam mới chỉ phát triển trong 10 năm trở lại đây, VN-Index đã vượt xa các quốc gia khác trong khu vực ASEAN, Châu Á và các thị trường mới nổi khác. Định giá tại thị trường Việt Nam cũng rẻ hơn trong khu vực. Hơn nữa, EPS tại Việt Nam cao hơn hẳn so với Ấn Độ, APAC và các thị trường mới nổi khác. 

Thị trường chứng khoán Việt Nam có vốn hóa tương đối nhỏ. Trên thực tế, mới chỉ có khoảng 3% dân số đầu tư vào thị trường chứng khoán, có thể kỳ vọng việc tăng trưởng và mở rộng trong tương lai. 

Bên cạnh những tiềm năng phát triển về kinh tế và thị trường vốn, Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức trong việc cải cách thị trường vốn mà nguyên nhân chính là đại dịch COVID-19.

Mặc dù có vài thách thức Việt Nam cần phải giải quyết nhưng quỹ vẫn giữ nguyên quan điểm đầu tư tại thị trường mới nổi và đầy tiềm năng như Việt Nam. Lợi thế của Việt Nam trong thương mại và sản xuất cùng nền kinh tế kỹ thuật số là điểm chính thúc đẩy cho tiềm năng tăng trưởng, từ đó mở rộng thị trường vốn. Hơn thế nữa, định giá tại thị trường Việt Nam đang ở mức hấp dẫn, đáng để đầu tư.

N. anh