|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Quy mô đầu tư tiền ảo ngày càng tăng, cần làm rõ định nghĩa tài sản số

10:57 | 27/08/2024
Chia sẻ
Theo báo cáo Crypto Crunch App, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về giao dịch tiền số, với gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo. Tuy nhiên, sự thiếu hụt hàng trang pháp lý rõ ràng cho tài sản số là một những vấn đề đòi hỏi cần khẩn trương hoàn thiện các khung khổ pháp lý tại loại tài sản này.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, tài sản số đã nổi lên như một xu hướng tất yếu, đi kèm với sự phát triển nhanh chóng của các loại tài sản này đã đặt ra nhiều thách thức pháp lý cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Tại dự thảo luật, vấn đề về tài sản số đã được đề cập, nhằm đưa ra hành trang pháp lý đối với lĩnh vực đang phát triển rất mạnh mẽ này.

Tại Điều 8 Chương II của dự thảo luật định nghĩa "Tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối , mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan."

Tài sản số có phạm vi rộng rãi bao gồm bitcoin, tiền ảo, tiền tệ kỹ thuật số (tiền ảo, tiền điện tử, tiền mã hóa), tài sản vô hình (tài sản trong game, tài sản trí tuệ, video, tranh ảnh kỹ thuật số) và tài sản vật chất được số hóa tranh ảnh vật lý, tài sản tài chính,...

Loại tài sản này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Giá trị thị trường của các tài sản này có những biến động lớn, nhưng vẫn cho thấy tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Bên cạnh đó, các công nghệ blockchain đã giúp tài sản số trở nên minh bạch và an toàn hơn trong các giao dịch.

Mặc dù Việt Nam chưa có khung pháp lý cho loại hình đầu tư này trong thời gian trước đây, nhưng các hoạt động mua bán, giao dịch tài sản số trong nước vẫn diễn ra sôi động thông qua các sàn quốc tế hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp. 

Báo cáo của Boston Consulting Group ghi nhận tổng giá trị tài sản số trong năm 2030 dự kiến sẽ lên tới 16.000 tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về giao dịch tiền số, chỉ sau Ấn Độ và Mỹ với gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo, theo Crypto Crunch App.

Trao đổi tại Tọa đàm "Chính sách thuế - tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 21/8 tại Hà Nội, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho biết dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số lần đầu tiên đưa ra khái niệm về tài sản số (Điều 8, Chương II),  đây được xem là một trong những điểm nổi bật trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số lần này. 

Tuy nhiên, sự thiếu hụt khung pháp lý rõ ràng là một những vấn đề lớn. Nhiều quốc gia vẫn đang loay hoay trong việc xác định tài sản số là một loại loại sản hợp pháp, phương tiện thanh toán hay chỉ đơn thuần là hàng hoá.

Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết thời gian qua những hoạt động đầu tư kinh doanh buộc phải rời bỏ Việt Nam do chưa có hành trang pháp lý chính thức. 

Lấy ví dụ về điều này, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), đề cập đến trường hợp của Tập đoàn Sky Mavis, tập đoàn kỳ lân công nghệ của Việt Nam có hệ sinh thái game, nhưng do chưa có khung khổ pháp lý cho tài sản trong game và hoạt động dựa trên cơ sở nội dung số, do vậy doanh nghiệp này đã chọn Singapore làm nơi đặt trụ sở.

Ông Tuấn cũng chia sẻ rằng Việt Nam phải xác định và làm rõ được định nghĩa tài sản số, vị trí pháp lý và những đặc trưng, đặc tính của tài sản số. Đưa ra giải pháp quản lý tài sản số, ông cho rằng việc này đòi hỏi không chỉ cần sự tham gia của Bộ Tài chính mà của rất nhiều bộ, ngành có liên quan.

Tại Việt Nam, tài sản số vẫn đang trong quá trình được xem xét và nghiên cứu. Mặc dù pháp luật hiện hành chưa có quy định chính thức về việc công nhận tài sản số, nhưng các cơ quan quản lý đã nhận thức được tầm quan trọng và tiềm năng của loại tài sản này. 

Theo đó, tại Điều 8 Chương II dự thảo luật đề cập sự tham gia của Bộ Tài chính trong việc chủ trì phối hợp với các bộ, ngành ban hành hoặc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định quản lý tài sản số, tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số.

Các bộ, ngành chịu trách nhiệm ban hành hoặc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định quản lý liên quan đến tài sản số trong ngành, lĩnh vực phụ trách, phù hợp với điều kiện thực tế.

"Chúng tôi cho rằng, nhu cầu có khung khổ pháp lý cho tài sản số, cho các giao dịch liên quan tới tài sản số là điều Việt Nam cần cân nhắc và nhanh chóng thúc đẩy", đại diện VCCI nói.

Minh Nguyệt