Quý I, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm hơn 52%
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I Việt Nam đã nhập khẩu 4,196 triệu tấn sắt thép các loại, tương đương với kim ngạch đạt 2,359 triệu USD.
So với cùng kỳ năm trước, lượng sắt thép các loại được nhập khẩu đã giảm gần 9%, nhưng kim ngạch lại tăng mạnh tới 42%.
Trong đó, lượng thép các loại nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 3 so với tháng trước giảm 3% xuống 1,472 triệu tấn, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng 5% lên 873,42 triệu USD.
Số liệu: Thống kê Hải quan. (Hồng Vũ tổng hợp) |
Thống kê Hải quan cũng cho thấy, sắt thép các loại chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với mức 2,192 triệu tấn, tương đương 1,176 tỷ USD, lần lượt chiếm tỉ trọng 52% về tổng lượng và 50% về tổng kim ngạch nhập khẩu trong quý I.
Tính riêng trong tháng 3, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm 22% xuống 671 nghìn tấn, tương đương giảm 11% xuống 397 triệu USD.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu sắt thép các loại từ Nhật Bản (549 nghìn tấn, tương đương 324 triệu USD), Hàn Quốc (431 triệu tấn, tương đương 299,3 triệu USD), Đài Loan (396 triệu tấn, tương đương 212,3 triệu USD),...
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, cuối tháng 3, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm thép mạ (tôn mạ) nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá áp dụng từ 7,02% đến cao nhất 38,34%. So với mức thuế chống bán phá giá tạm thời, một số doanh nghiệp Trung Quốc bị nâng lên mức cao như Bazhou Sanquang Metal Products từ 7,2% lên 26,36%, Hebei Iron từ 20,76% lên 17,58%. Việc Bộ Công Thương chính thức áp thuế chống bán giá với thép mạ nhằm ngăn chặn sản phẩm này bán phá giá vào Việt Nam. Bởi khi thép mạ giá rẻ từ Trung Quốc nhập khẩu ổ ạt vào Việt Nam sẽ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, dần dần sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và có thể hình thành lợi thế độc quyền của sản phẩm thép mạ nhập khẩu gây lũng đoạn thị trường. |