Quy hoạch ngành hay “làm” một luật mía đường kiểu Thái?
Các con số chưa chính xác
Trong bản dự thảo nêu trên, Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích trồng mía nguyên liệu đạt 300.000 héc ta, năng suất bình quân đạt 70 tấn/héc ta, sản lượng mía nguyên liệu đạt 21 triệu tấn. Còn đến năm 2030, giữ ổn định diện tích trồng, tức vẫn ở mức khoảng 300.000 héc ta, nhưng năng suất bình quân đạt 80 tấn/héc ta và sản lượng mía thu hoạch đạt 24 triệu.
Bộ NN&PTNT đã căn cứ trên cơ sở nào để đưa ra những con số nêu trên?
Trao đổi với TBKTSG, ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho rằng có thể Bộ NN&PTNT đã dựa vào năng suất bình quân hiện tại (theo bộ này là khoảng 64-65 tấn/héc ta) để làm cơ sở quy hoạch năng suất đến năm 2020 và đến năm 2030.
Thế nhưng, theo ông Hải, con số 64-65 tấn/héc ta là con số không chính xác. “Năng suất thực tế chung của Việt Nam thấp. Dĩ nhiên, có vùng năng suất rất cao, ví dụ một vùng nhỏ ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) năng suất lên đến cả trăm tấn/héc ta; vùng Tây Ninh là 75 tấn/héc ta, nhưng miền Trung và miền Bắc lại rất thấp nên bình quân cả nước không phải là con số đó (64-65 tấn/héc ta)”, ông Hải nói.
Theo lý giải của ông Hải, có lẽ Bộ NN&PTNT áp dụng cách tính “trung bình cộng”, trong khi nguyên tắc tính chính xác phải là “bình quân gia quyền”.
Còn nếu nhìn vào năng suất mía của Thái Lan để làm căn cứ cho định hướng quy hoạch, thì theo ông Hải, năng suất bình quân hiện nay của quốc gia này cũng chỉ khoảng 65 tấn/héc ta, chứ không phải 70-80 tấn/héc ta như một số thông tin đã nêu.
Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối, cho rằng nếu căn cứ vào năng suất của Thái Lan để làm cơ sở quy hoạch, thì ít ra phải biết được “bản đồ công nghệ” của nước đi trước đang ở vị trí nào về kỹ thuật canh tác, giống, năng suất, chất lượng sản phẩm... và Việt Nam đang ở vị trí nào khi xét đến các yếu tố đó so với họ. “Mình (Việt Nam) phải biết đang đứng ở đâu, ở vị trí nào mới có giải pháp thực hiện trong kế hoạch của giai đoạn 2016-2020 và từ năm 2020 trở đi. Còn đằng này, không nắm được, thì làm sao đặt ra mục tiêu quy hoạch được?”, ông Bảnh đặt vấn đề.
Phải chăng đã đến lúc tính chuyện xây dựng một luật mía đường kiểu Thái, thay vì thực hiện một quy hoạch ngành thiếu căn cứ? |
Do dữ liệu được Bộ NN&PTNT lấy để làm căn cứ tính toán cho dự thảo quy hoạch được cho là chưa chuẩn xác nên trước đó, bà Vũ Thị Huyền Đức, Phó chủ tịch VSSA, tại hội nghị “Vụ sản xuất mía đường 2016-2017” tại tỉnh Sóc Trăng đã đề nghị đơn vị soạn thảo phải tính toán và viết lại cho phù hợp với thực tế.
Nhìn sang Thái Lan, luật mía đường vận hành ra sao?
Ông Nguyễn Hải cho biết sản lượng đường trong nước của Thái Lan đã tăng mạnh từ mức 6 triệu tấn năm 2000 lên 11 triệu tấn trong niên vụ 2015-2016, nghĩa là sau khoảng 15 năm, sản lượng đường của Thái Lan đã tăng thêm 5 triệu tấn. Trong khi đó, cùng khoảng thời gian này, sản lượng đường của Việt Nam chỉ tăng vỏn vẹn khoảng 500.000 tấn, từ mức 700.000 tấn vào năm 2000 lên 1,2 triệu tấn trong niên vụ 2015-2016.
“Vì sao sản lượng đường của Thái Lan tăng mạnh như vậy?”, ông Hải đặt vấn đề và cho rằng nhờ được quản lý bằng luật mía đường ra đời từ trước đó. Với luật này, ba đối tượng trọng tâm là người nông dân, nhà máy và người tiêu dùng luôn được bảo vệ. “Có nghĩa là nó bảo vệ nông dân không bao giờ bị lỗ do trồng mía trong bất cứ hoàn cảnh nào; nhà máy thì “ăn” theo nông dân, có nghĩa là được hưởng lợi từ chế biến mía và có thể bị lỗ, nhưng không lỗ nặng và người tiêu dùng được bảo vệ là không phải ăn đường giá cao”, ông Hải lý giải.
Theo ông Hải, đầu mỗi vụ mía, Hội đồng Mía đường quốc gia (hội đồng này gồm có nông dân, nhà máy, Bộ Nông nghiệp, Công Thương và một số thành phần khác có liên quan), dựa trên đánh giá, phân tích nhiều yếu tố như tình hình cung - cầu, xu hướng giá của thế giới và các yếu tố trong nước... sẽ ấn định ra một mức giá nhất định. Từ mức giá đó, sẽ ấn định tiếp cơ chế phân chia lợi ích giữa nông dân và nhà máy (cụ thể nông dân được hưởng 70% và nhà máy là 30%). Trong số 70% nông dân được hưởng, nhà máy sẽ ứng tiền trước cho nông dân 70-80% (tùy năm) chứ không trả ngay 100%, phần còn lại đến cuối vụ trả tiếp”.
Đến cuối vụ, nếu diễn biến mức giá thực tế đúng như mức giá được Hội đồng Mía đường quốc gia ấn định từ đầu, thì nhà máy trả tiếp cho nông dân 20% (hoặc 30%) còn lại. Nếu lời hơn dự tính (tức giá cao hơn mức Hội đồng Mía đường quốc gia ấn định trước đó), thì nhà máy có trách nhiệm phải trả thêm cho nông dân. Cơ chế này rất minh bạch và nhà máy luôn phải chịu sự kiểm toán của Nhà nước, chứ không phải do nhà máy báo cáo thế nào cũng được. Trường hợp kết thúc vụ mía mà nhà máy bị lỗ, tức giá thấp hơn mức Hội đồng Mía đường quốc gia ấn định, thì Chính phủ sẽ lấy tiền từ Quỹ Mía đường quốc gia (luật quy định có trích, đóng góp lập quỹ này) để trả cho nông dân, tức nông dân không bao giờ bị lỗ.
Người tiêu dùng cũng được tiếp cận sản phẩm với giá hợp lý nhờ vào cơ chế của luật này.
Ông Hải cho biết ông đã nhiều lần đề nghị thực hiện một luật “bắt chước” theo luật của Thái Lan đối với ngành mía đường trong nước, nhưng nhiều bộ, ngành lại chưa ủng hộ.
Phải chăng đã đến lúc tính chuyện xây dựng một luật mía đường kiểu Thái, thay vì thực hiện một quy hoạch ngành thiếu căn cứ như nêu trên?
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/