Quy định lắp thiết bị đo xăng dầu điện tử không ảnh hưởng đến nhập khẩu
Theo số liệu của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, sản lượng sản xuất xăng dầu trong nước đáp ứng 70% lượng xăng dầu tiêu thụ tại Việt Nam, số còn lại (30%) từ nguồn nhập khẩu. Việc cơ quan hải quan tạm dừng thực hiện thủ tục hải quan tại các kho chưa có thiết bị đo bồn, bể tự động, chưa kết nối với cơ quan hải quan... không ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối.
Thống kê của Tổng cục Hải quan từ đầu năm đến tháng 9/2022, Việt Nam đã nhập hơn 6,5 triệu tấn xăng dầu các loại với trị giá hơn 6,8 tỷ USD. Nếu so với năm 2021, số lượng nhập 9 tháng năm 2022 cao hơn 22,7% và trị giá tăng 131,8%.
Về thủ tục xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan khẳng định, thời gian qua, thủ tục nhập khẩu và thông quan đối với mặt hàng xăng dầu luôn được cơ quan hải quan thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và theo đúng quy định của pháp luật.
Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thông quan nhanh chóng đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu. Đồng thời bố trí cán bộ, công chức trực giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và xử lý vướng mắc đối với xăng dầu nhập khẩu kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính, bảo đảm thông quan 24/7. Chủ động nắm sát tình hình thực tế, giải quyết các vướng mắc phát sinh, chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Ngày 15/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2020/NĐ-CP (Nghị định 67) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan, có hiệu lực từ ngày 10/8/2020.
Theo đó, tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 67 sửa đổi, bổ sung Điều 22 Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 về điều kiện kiểm tra, giám sát kho xăng dầu thì thương nhân kinh doanh xăng dầu có 2 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực để hoàn thiện điều kiện theo quy định như lắp đặt thiết bị đo mức bồn, bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng dầu xuất, nhập, tồn kho với cơ quan hải quan, như vậy thời gian thực hiện sẽ tính từ ngày 10/08/2022.
Quy định này giúp cơ quan quản lý nắm được chính xác, kịp thời số lượng xăng dầu nhập khẩu, đồng thời thu đúng số thuế để nộp, nâng cao hiệu quả quản trị của doanh nghiệp.
Triển khai Nghị định nêu trên, Tổng cục Hải quan đã có nhiều văn bản đôn đốc doanh nghiệp và cơ quan hải quan thực hiện đúng nội dung, thời hạn quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp cũng đã có thời gian 2 năm để chuẩn bị trước khi Nghị định 67 có hiệu lực đối với quy định về tiêu chuẩn bồn, bể. Trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan cũng không nhận được phản ánh vướng mắc từ phía các doanh nghiệp khi triển khai Nghị định số 67/2020/NĐ-CP nêu trên.