Quy định 'đánh đố' doanh nghiệp kinh doanh khí, gas
Tại Hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định thủ tục hành chính ngành công thương năm 2016 do Bộ Công Thương chủ trì sáng nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas đã bày tỏ không ít khó khăn với các chính sách cho Bộ ban hành.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Trang, đại diện cho doanh nghiệp gas tỉnh Khánh Hòa, tại điều 11 của nghị định 19 còn tồn tại nhiều bất cập. Các thủ tục hành chính về kinh doanh khí đang làm khó các doanh nghiệp gas.
Quy định về việc đơn vị kinh doanh gas chỉ được ký hợp đồng làm đại lý cho 1 tổng đại lý là đã hạn chế quyền tự do kinh doanh của tổng đại lý. Các quy định của nghị định luẩn quẩn, mâu thuẫn, ''đánh đố'' doanh nghiệp.
Bà kiến nghị cần bỏ điều kiện tổng đại lý kinh doanh gas bắt buộc phải có cửa hàng bán gas.
Doanh nghiệp được ký hợp đồng với nhiều loại thương nhân và đại lý được quyền ký hợp đồng với 3 tổng đại lý.
Trao đổi tại hội nghị, Nhiều ý kiến từ doanh nghiệp được trình bày về những bất cập khi thực thi nghị định 19. ( Ảnh: Huyền Trang). |
Bà Phạm Thị Hiền Lương, đại diện cho doanh nghiệp kinh doanh khí ở tỉnh Bình Định cho biết, việc áp dụng cho thương nhân phân phối khi phải có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 mét khối, dự tính tổng kinh phí xây dựng khoảng 60 tỷ, việc lưu trữ 100.000 vỏ bình doanh nghiệp phải bỏ vốn hơn 40 tỷ đồng. Điều này là vô cùng khó khăn với những doanh nghiệp đang kinh doanh nhỏ lẻ.
Bức xúc về vấn đề trên, ông Trần Trung Nhật, đại diện doanh nghiệp gas tỉnh Tây Ninh cho rằng nghị định đã can thiệp quá sâu vào công việc kinh doanh của từng doanh nghiệp, từng đại lý. "Việc quy định việc phải có 100.000 vỏ gas và 20 tổng đại lý hoặc đại lý kinh doanh mới có đủ điều kiện làm thương nhân phân phối khí gas là quá khắt khe", ông nói.
Bởi lẽ, doanh nghiệp gas ở khu vực ông không phải là quá lớn, nhưng cũng có thương hiệu và hoạt động từ năm 2001, số lượng vỏ gas cũng chỉ khoảng 60.000 -70.00 vỏ, nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động đem lại lợi nhuận.
Về vấn đề cấp giấy chứng nhận là thương nhân phân phối khí, ông thắc mắc không hiểu giấy chững nhận sẽ do bộ công thương quy định hay do sở công thương của tỉnh quy định.
''Trong ngành kinh doanh khí, chưa đầy 6 năm mà Bộ đưa ra 2 nghị định. Điều này khiến cho doanh nghiệp rất khổ, toàn phải đi tìm cách đối phó với các chính sách. Doanh nghiệp của ông cũng như doanh nghiệp khác cũng chỉ mong muốn có được một cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch và hợp lý để có thể ổn định phát triển'', ông chia sẻ.
Chia sẻ với những trăn trở trên, - thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh lý giải, trước khi nghị định 19 được ban hành, bộ đã tiến hành thu thập ý kiến của doanh nghiệp về vấn đề trên. "Bộ mong muốn nhận được sự phản hồi từ các doanh nghiệp, để từ đó sửa chữa, bổ sung và hoàn thiện nghị định. Không một ai xây dựng chính sách để giết chết doanh nghiệp vừa và nhỏ cả", Thứ trưởng Khánh nói.
Ông cũng chia sẻ, cơ quan soạn thảo chính sách trên cũng còn nhiều thiếu sót, nhưng không phải tất cả trách nhiệm đều đổ lên đầu họ. Vì vậy Bộ mong nhận được sự nhiệt tình tham gia đóng góp ý kiến để dự thảo việc sửa đổi nghị định được hoàn thiện hơn.