Quỹ đầu tư nhà nước mua cổ phiếu ngân hàng, nhen nhóm hy vọng Bắc Kinh sẽ ra tay giải cứu thị trường
Động thái bất ngờ
Quỹ đầu tư nhà nước Trung Quốc vừa tăng cổ phần trong 4 ngân hàng lớn nhất đất nước, lần đầu tiên kể từ năm 2015. Động thái này làm dấy lên đồn đoán rằng các nhà chức trách Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nỗ lực để vực dậy thị trường chứng khoán đang trên đà suy yếu.
Theo văn bản gửi lên cơ quan quản lý chứng khoán vào ngày 11/10, Central Huijin Investment đã mua khoảng 65 triệu USD cổ phiếu Bank of China, Agricultural Bank of China, China Construction Bank và Industrial and Commercial Bank of China.
Huijin là một đơn vị của quỹ đầu tư nhà nước Trung Quốc China Investment Corporation (CIC). Văn bản cũng cho biết Huijin dự định sẽ tiếp tục tăng cổ phần nắm giữ tại các nhà băng trong vòng 6 tháng tới.
Vào 10h05 sáng ngày 12/10 theo giờ địa phương, chỉ số CSI 300 đã tăng 0,7% so với lúc mở cửa. Đà tăng được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu tài chính.
Theo Bloomberg, rất nhiều nhà kinh tế và quỹ đầu cơ Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi chính phủ trực tiếp can thiệp thị trường bằng cách thiết lập một quỹ bình ổn để mua cổ phiếu. Bắc Kinh đã tránh dùng biện pháp này từ sau cú sụp đổ của thị trường năm 2015.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã thực hiện những biện pháp khác để ngăn đà giảm của thị trường chứng khoán đại lục nhưng chưa đạt được thành công. Quy mô của thị trường này hiện vào khoảng 9.500 tỷ USD.
Phiên 10/10, chỉ số CSI 300 rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 11 tháng. Tính từ đỉnh thiết lập vào năm 2021 đến nay, CSI 300 đã giảm 37%.
Trong những tháng gần đây, các quan chức Trung Quốc đã làm chậm tốc độ IPO của doanh nghiệp, cắt giảm thuế chuyển nhượng chứng khoán và nới lỏng quy định về giao dịch ký quỹ, tờ Bloomberg cho biết.
Giá trị số cổ phiếu mà Huijin mua vào không lớn, nhưng động thái này lại tương tự như nỗ lực mà giới chức trách đã thực hiện khi thị trường sụp đổ 8 năm trước.
Các tờ báo tài chính hàng đầu của Trung Quốc đã đăng tải động thái của Huijin lên trang nhất và bình luận rằng nước đi này sẽ giúp thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư.
Ông Redmond Wong, chuyên gia thị trường tại Saxo Capital Markets, bình luận: “Rất có thể mục đích của Central Huijin khi thực hiện các khoản đầu tư khiêm tốn nhưng mang đầy ý nghĩa biểu tượng là hỗ trợ giá cổ phiếu.
Động thái này khiến các nhà đầu tư nhớ đến hành động của giới chức trách vào năm 2015, thể hiện ý muốn duy trì sự ổn định của thị trường”.
Chỉ số CSI 300 Financials có lúc tăng 1,2% trong phiên 12/10. Thông tin trên website cho thấy Central Huijin nắm giữ cổ phần trong 19 tổ chức tài chính bao gồm ngân hàng và công ty chứng khoán.
Tác động nhỏ?
Quỹ đầu tư nhà nước Trung Quốc đã từng ra tay can thiệp khi thị trường hỗn loạn tột độ, ví dụ như mua cổ phiếu sau khi bong bóng tài sản vỡ vào năm 2008 và 2015.
Lần này, nỗi lo của các nhà đầu tư không phải là định giá cao ngất ngưởng mà là liệu chính phủ có tung ra các biện pháp đủ mạnh để hỗ trợ nền kinh tế hay không. Do đó, các động thái can thiệp thị trường có thể không tạo ra được tác động lớn.
Ông Willer Chen, nhà phân tích cấp cao tại Forsyth Barr Asia, bình luận: “Trong môi trường hiện nay, các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế vẫn sẽ là yếu tố quyết định liệu thị trường có thể tạo đáy hay không”.
Lịch sử cho thấy một số động thái can thiệp của chính phủ Trung Quốc trong quá khứ chỉ mang đến hiệu quả ngắn hạn. Vào năm 2015, chỉ số CSI 300 từng tăng điểm trong thời gian ngắn, sau đó lại cắm đầu giảm hơn 20% trong những tháng tiếp theo.
Nhà đầu tư ngoại đang ngày càng bi quan về các doanh nghiệp Trung Quốc. Số lượng các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi trừ Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục trong năm nay.
Các quỹ đầu tư toàn cầu cũng giảm vị thế đối với cổ phiếu Trung Quốc, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020. Chỉ số MSCI Trung Quốc đã giảm hơn 7% trong năm nay. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán toàn cầu của MSCI lại tăng hơn 10%.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết gần đây các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đang cân nhắc phát hành thêm ít nhất 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 137 tỷ USD) trái phiếu chính phủ để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Thông báo này có thể được công bố ngay trong tháng 10, nhưng các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra và có khả năng Bắc Kinh sẽ thay đổi kế hoạch.
Nếu chính phủ thực sự phát hành trái phiếu, đây sẽ là sự thay đổi đáng chú ý trong lập trường của Bắc Kinh. Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc vẫn tránh tung ra kích thích tài khóa trên quy mô lớn bất chấp khủng hoảng bất động sản và áp lực giảm phát.