Quỹ chuyên ‘đánh game’ nâng hạng Tundra Vietnam Fund sụt giảm NAV hai tháng liên tiếp, tăng nắm giữ tiền mặt
Tundra Vietnam Fund có hai tháng tăng trưởng âm liên tiếp
Mới đây, "quỹ ngoại chuyên đánh game nâng hạng" Tundra Vietnam Fund công bố báo cáo tình hình tháng 5. Theo đó, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ này giảm 1,8% trong tháng vừa qua, đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp sau ba tháng đầu năm liên tục tăng. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, NAV của Tundra Vietnam Fund tăng 5,4%, đạt 80,8 triệu USD tại thời điểm kết thúc tháng 5. Thống kê tại báo cáo tháng 5, Top10 cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất có 8/10 mã cổ phiếu giảm giá.
Kết quả kém khởi sắc trong tháng 5 của Tundra Vietnam Fund đến từ ảnh hưởng tiêu cực của cổ phiếu nhóm ngân hàng (CTG, MBB, HDB, LPB) do tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại kể từ đầu năm 2019, tác động lớn đến các cổ phiếu ngân hàng.
Biến động giá một số cổ phiếu trong danh mục đầu tư của Tundra Vietnam Fund. Nguồn: VNDirect
Bên cạnh đó, cổ phiếu bất động sản (DXG) giao dịch kém khởi sắc trong tháng 5 cũng tác động tiêu cực đến hiệu quả của quỹ này trong tháng 5. Cụ thể, cổ phiếu DXG có mức giảm mạnh nhất trong Top10 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất danh mục của quỹ này, lên đến 14,6%. Một số cổ phiếu bất động sản khác cũng giảm giá trong tháng 5 là LDG (giảm 6,5%).
Bên cạnh đó, cổ phiếu KDC của Kido sau khi giao dịch tích cực trong tháng 4, chuyển sang trạng thái điều chỉnh trong tháng 5, tác động tiêu cực đến tăng trưởng hiệu suất đầu tư của quỹ này. Theo đó, cổ phiếu KDC đã mất 12,4% giá trị trong tháng 5 vừa qua.
Top5 cổ phiếu sinh lợi kém nhất và tốt nhất trong danh mục đầu tư của Tundra Vietnam Fund trong tháng 5. Nguồn: Tundra
Ở diễn biến tích cực hơn, điểm sáng danh mục đầu tư của Tundra Vietnam Fund đến từ nhóm cổ phiếu bất động sản (VIC), thực phẩm (HVG, VNM). Đơn cử, cổ phiếu INN của CTCP Bao bì và In Nông nghiệp có mức sinh lợi 12,9% tháng vừa qua. Cổ phiếu TNG và PNJ cũng có mức sinh lợi lần lượt 6% và 2,5% trong tháng 5.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đè nặng thêm tâm lí nhà đầu tư trên thị trường
Theo đánh giá của Tundra Vietnam Fund, thị tường chứng khoán Việt Nam duy trì xu hướng giảm giá, trong khi MSCI Frontier Markets và MSCI Emerging Markets đều diễn biến tốt trong tháng 5 với mức tăng lần lượt là 2,4% và 6,8%. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 101 triệu USD, tuy nhiên thương vụ đầu tư của SK Group vào Vingroup giúp đảo ngược trạng thái sang mua ròng 151 triệu USD. Tuy nhiên, sự giảm giá của chứng khoán thế giới và thiếu động lực từ thị trường trong nước khiến giao dịch của NĐT trong nước và khối ngoại đều suy giảm trong tháng 5, thanh khoản bình quân ngày còn 155 triệu USD.
Một nguyên nhân khác được quỹ ngoại này đưa ra về việc thị trường kém tích cực trong tháng 5 là việc các công ty đã báo cáo kết quả kinh doanh quý I và chưa có thông tin mới. Mặt khác, căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, tác động đến tâm lí của nhà đầu tư trong nước. Mặc dù Việt Nam có những tín hiệu tích cực về dòng vốn FDI. Cụ thể, vốn FDI theo cam kết tăng 69% trong 5 tháng đầu năm, đạt 17,7 tỉ USD; vốn FDI giải ngân cũng tăng 7,8%, đạt 7,3 tỉ USD.
Đây là hệ quả của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, phần lớn vốn FDI đến từ Trung Quốc (chiếm gần 42% vốn FDI mới). Các nhà sản xuất toàn cầu đang tìm kiếm các trung tâm sản xuất mới đề tránh thuế quan cao hơn từ Mỹ, phân tích của Tundra đưa ra.
Chứng quyền có đảm bảo mở ra cơ hội cho khối ngoại với cổ phiếu hết 'room'
Cũng trong báo cáo này, Tundra Vietnam Fund đã chỉ ra điểm sáng cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn tới khi sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (CW) được đưa vào vận hành.
Theo thông tin mới nhất từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, chứng quyền có đảm bảo dự kiến vận hàng vào ngày 28/6.
Việc đưa vào ngân hàng CW làm tăng tính thanh khoản của các cổ phiếu được dùng làm chứng khoán cơ sở. Mặt khác, khối ngoại có thêm cơ hội tiếp cận các cổ phiếu đang bị hạn chế tỉ lệ sở hữu nước ngoài, Tundra Vietnam Fund đánh giá.
Tundra Vietnam Fund hạ tỉ trọng FPT trong danh mục, tăng nắm giữ tiền mặt trong tháng 5
Tính đến cuối tháng 5, danh mục đầu tư của quỹ Tundra Vietnam Fund gồm 36 cổ phiếu, trong đó cổ phiếu VRE của CTCP Vincom Retail chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư với 7,2%. Theo sau đó, hai cổ phiếu MSN và FPT chiếm tỉ trọng lần lượt là 7,1% và 6,3% trong danh mục.
Top10 cổ phiếu có tỉ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của Tundra Vietnam Fund trong tháng 5. Nguồn: Tundra
Top10 cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của Tundra Vietnam Fund còn có một số cổ phiếu khác như DXG, VCB, VIC, VNM, HPG, VND và HSG.
Xét về tổng quan, danh mục đầu tư trong tháng 5 của Tundra Vietnam Fund có sự phân tán hơn khi Top10 mã chứng khoán lớn chiếm 51,9% tỉ trọng danh mục, trong khi tháng trước, tỉ lệ này lên đến 55,3%.
Nói thêm về cổ phiếu FPT mà Tundra Vietnam Fund đang nắm giữ và là tâm điểm của thị trường, so sánh số liệu trong hai tháng 4 và 5 cho thấy quỹ ngoại này đã hạ tỉ trọng cổ trong danh mục đầu tư. Theo báo cáo danh mục đầu tư tháng 4, quỹ này nắm giữ cổ phiếu FPT với tỉ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư với 9,5%, theo sau là cổ phiếu MSN với tỉ trọng 7,8%.
Diễn biến cổ phiếu FPT trong ba tháng gần đây. Nguồn: VNDirect
Với giao dịch tích cực kể từ cuối tháng 3, cổ phiếu FPT có tỉ lệ sinh lợi 8,6% trong tháng 4, đóng góp tích cực trong danh mục đầu tư của Tundra Vietnam Fund. Đi cùng với việc tăng giá, cổ phiếu FPT có sự cải thiện về thanh khoản.
Sau hơn một tháng tăng giá, cổ phiếu FPT đã bước vào giai đoạn điều chỉnh khi giảm từ mức 46.000 đồng/cp về 43.200 đồng/cp trong tháng 5.
Bên cạnh việc hạ tỉ trọng cổ phiếu FPT trong danh mục, quỹ ngoại này tăng tỉ trọng tiền mặt trong danh mục đầu tư. Cụ thể, tính đến cuối tháng 5, tiền mặt và khoản khác chiếm 7% trong danh mục, trong khi trong tháng 4 là 5%.
Trên góc nhìn phân tích kĩ thuật, các cổ phiếu Tundra Vietnam Fund chưa thấy 'cửa sáng' trong tháng 6
Trải qua tháng 5 không mấy tích cực, liệu rằng hiệu suất đầu tư của Tundra Vietnam Fund trở lên tốt hơn trong tháng 6? Dưới đây là phân tích kĩ thuật về 4 cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của quỹ này.
VRE - Xu hướng giảm giá ngắn hạn
Về cơ bản, cổ phiếu VRE đang nằm trong xu hướng điều chỉnh trong mô hình tam giác. Những phiên giao dịch gần đây, sau khi chạm hỗ trợ kênh dưới, VRE đang có xu hướng bật tăng lại, thanh khoản giảm đáng kể so với giai đoạn trước. Các chỉ báo kỹ thuật bắt đầu cho tín hiệu có thể đảo chiều tăng giá, MACD cân bằng tại mốc 0 trong khi RSI đảo chiều tại mốc 40. Hiện tại, VRE đã hoàn thành được 3/5 bước sóng của mô hình, như vậy khả năng VRE sẽ tiếp tục hoàn thành mô hình tam giác trước khi có xu hướng tiếp theo.
Phân tích kĩ thuật cổ phiếu VRE. Thực hiện: Phan Quân
MSN - Tích lũy trong hộp
Cổ phiếu MSN hiện đi ngang trong hộp chữ nhật. Sau khi tạo đỉnh ngắn hạn ngày 22/5, MSN đang có nhịp điều chỉnh ngắn hạn về test lại đáy hộp. Các chỉ báo kỹ thuật đang cho tín hiệu tiêu cực, giá cắt xuống đường hỗ trợ MA100, MACD hướng xuống và nằm ở dưới đường cân bằng. Trong khi đó, thanh khoản ngày càng thấp cũng dấu hiệu cho thấy dòng tiền đang suy yếu dần.
Phân tích kĩ thuật cổ phiếu MSN. Thực hiện: Phan Quân
DXG - Đang dò đáy?
Cổ phiếu DXG vẫn đang nằm trong xu hướng giảm giá dài hạn với thanh khoản cạn kiệt dần, tuy nhiên trong ngắn hạn cổ phiếu này có tin hiệu tạo mô hình hai đáy. Giá hiện đã điều chỉnh về hỗ trợ đường kênh giá, đà giảm bắt đầu chững lại. Một số chỉ báo kỹ thuật cho tín hiệu phân kỳ như MACD và Stockchastic, bên cạnh đó, RSI giảm xuống vùng quá bán và hiện đang tăng trở lại.
Phân tích kĩ thuật cổ phiếu DXG. Thực hiện: Phan Quân
FPT - Quay lại xu hướng tăng
Phân tích kĩ thuật cổ phiếu FPT trên quan điểm kĩ thuật cho thấy, phiên 6/6, cổ phiếu FPT đang có dấu hiệu bật tăng trở lại. Các chỉ báo kỹ thuật đều cho tín hiệu tích cực, giá điều chỉnh chạm đường MA50 bật tăng lại với khối lượng lớn, đường MACD bật lên khi về đường cân bằng 0 và RSI vẫn giữ ở vùng quanh 50.
Phân tích kĩ thuật cổ phiếu FPT. Thực hiện: Phan Quân
Từ những phân tích kĩ thuật trên cho thấy, trong ngắn hạn, Top4 cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất của Tundra Vietnam Fund có trường hợp cổ phiếu FPT tích cực, những mã còn lại MSN, DXG và VRE chưa cho thấy dấu hiệu tăng giá.