|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quốc hội thông qua Luật Quản lý nợ công

14:33 | 23/11/2017
Chia sẻ
Luật được thông qua gồm 10 chương với 63 điều, quy định về quản lý nợ công, bao gồm hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.

Tại phiên họp toàn thể sáng 23/11 của kỳ họp thứ 4, với 85,74% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Luật được thông qua gồm 10 chương với 63 điều, quy định về quản lý nợ công, bao gồm hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.

Nợ công quy định tại Luật này bao gồm: Nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.

Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.

quoc hoi thong qua luat quan ly no cong
Ảnh: Quochoi.vn.

Theo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), quản lý nhà nước về nợ công thay vì bao gồm 11 nhóm nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý nợ công được giao cho 3 cơ quan là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính như hiện nay. Quốc hội đã thống nhất đưa nợ công về một đầu mối duy nhất quản lý là Bộ Tài chính.

Dự thảo luật đã được sửa đổi, Chính phủ sẽ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công và Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công.

Trong đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính là chủ trì tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết thỏa thuận vay thương mại, hiệp định khung, hiệp định cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ. Đồng thời, Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công.

Về giám sát việc quản lý nợ công, Luật quy định Quốc hội, HĐND giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và quy định khác của pháp luật có liên quan. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý nợ công, bao gồm: Vay, cho vay, bảo lãnh không đúng thẩm quyền hoặc chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, vượt hạn mức đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Sử dụng vốn vay không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ. Vụ lợi, chiếm đoạt, tham nhũng trong quản lý, sử dụng nợ công. Làm trái quy định của Nhà nước về quản lý nợ công; thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí vốn vay. Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về nợ công theo quy định của pháp luật. Cản trở hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý nợ công…

Về xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý nợ công, theo Luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải giải trình và chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nợ công thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Khánh Hà

NHNN cho vay nhiều nhất trong 7 năm trên kênh OMO, nâng lãi suất lên 4,25%
Ngày 23/4, NHNN đã có động thái nâng lãi suất và kỳ hạn và quy mô cho vay qua kênh OMO. Trong đó, tổng giá trị cho vay trong phiên đạt mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm.