|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quốc hội thông qua Luật Kiến trúc: Những hành vi nào bị cấm?

17:30 | 13/06/2019
Chia sẻ
Với 88,64% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Kiến trúc trong phiên họp chiều nay. Luật này quy định nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc như đưa, nhận hối lộ, thực hiện hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật; tiết lộ thông tin kinh doanh do khách hàng cung cấp, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý; xây dựng công trình kiến trúc không đúng với thiết kế...

Tại phiên họp Quốc hội chiều 13/6, với 88,64% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Kiến trúc.

Luật này gồm 5 chương với 41 điều, quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.

qh

Phiên họp Quốc hội chiều 13/6. Ảnh: TTXVN.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiến trúc trên lãnh thổ Việt Nam.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc theo quy định của Luật gồm: Cản trở hoạt động quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc; lợi dụng hành nghề kiến trúc gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia...; đưa, nhận hối lộ, thực hiện hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật trong hoạt động kiến trúc; tiết lộ tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước; tiết lộ thông tin kinh doanh do khách hàng cung cấp, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; xây dựng công trình kiến trúc không đúng với thiết kế kiến trúc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kiến trúc…

Trước khi thông qua Luật, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiến trúc do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày.

Trước đó, ngày 21/5, UBTVQH đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh sửa sẽ có 5 chương, 41 điều, tăng 4 điều so với Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong phiên họp thảo luận tại hội trường ngày 21/5 đã có 19 đại biểu phát biểu ý kiến và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng trả lời rõ một số vấn đề.

"Nhìn chung, ý kiến các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong dự án Luật và cũng đóng góp sâu vào nhiều nội dung của dự án Luật, từ khái niệm đến vấn đề hành nghề kiến trúc, quy chế kiến trúc, quy định về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc, về thẩm quyền, tính cụ thể cũng như kỹ thuật văn bản", ông Hiển cho hay.

K.Hà