|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Quĩ đầu tư 1.000 tỉ USD của Trung Quốc im ắng lạ thường

08:44 | 09/04/2019
Chia sẻ
Từ năm 2017 đến nay, Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC) không thực hiện thương vụ đầu tư lớn đáng chú ý nào. Vị chủ tịch mới của Tập đoàn này có lẽ cũng không thể thay đổi được tình hình.

Quĩ đầu tư quốc gia Trung Quốc được thành lập năm 2007 với nhiều sự cổ vũ và trông chờ. Quĩ này được kì vọng sẽ trở thành một công cụ giúp đầu tư khối dự trữ ngoại hối khổng lồ của nước này vào các thương vụ lớn ở nước ngoài.

Trong khoảng một thập kỉ, quĩ này làm đúng như những gì nó được kì vọng. Trong thời kì cao điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC) rót 5,6 tỉ USD để cứu trợ ngân hàng Mỹ có nguy cơ phá sản Morgan Stanley. Sau đó, tỉ lệ sở hữu được nâng lên thành 10%. CIC cố gắng sánh ngang với quĩ GIC Pte của Singapore, vốn được biết đến qua các phi vụ đầu tư tham vọng ở nước ngoài.

Giờ đây, CIC – quĩ quốc gia lớn thứ hai thế giới với gần 1.000 tỉ USD tài sản – có vẻ đã chuyển sang chiến thuật "đánh nhỏ lẻ". Lần cuối cùng quĩ này được cấp vốn để đầu tư ra nước ngoài là khoản tiền 50 tỉ USD từ năm 2012, cộng với số vốn 200 tỉ USD được cấp lúc mới thành lập.

Vì thế mà quĩ này từ chỗ đứng đầu danh bạ liên lạc của các ngân hàng đầu tư toàn cầu đã biến thành một tổ chức gần như bị lãng quên trên trường quốc tế.

Chủ tịch mới của quĩ – ông Peng Chun – có lẽ cũng không thể thay đổi được thực tế này. Ông vừa được bổ nhiệm làm chủ tịch của quĩ sau khi vị trí này bị bỏ trống trong hai năm. Trước đó, ông làm Chủ tịch Ngân hàng Giao thông Trung Quốc (Bocom) từ tháng 2 năm ngoái. Trước đó nữa, ông có 5 năm làm Phó Chủ tịch ngân hàng này.

Người tiền nhiệm của ông Peng tại CIC là ông Ding Xuedong đã rời vị trí này vào tháng 2/2017 để nhậm chức mới tại Hội đồng Nhà nước.

Khi còn ở Bocom – ngân hàng lớn thứ 5 Trung Quốc tính theo tài sản, những nỗ lực quốc tế hóa của ông Peng diễn ra chậm chạp. Đây là một dấu hiệu đáng ngại đối với những người hi vọng CIC sẽ quay lại thời hoàng kim trước đây. Doanh thu quốc tế của Bocom năm ngoái đật 13,29 tỉ nhân dân tệ (1,98 tỉ USD), tương đương 6,2% tổng doanh thu, năm trước đó các con số lần lượt là 11,53 tỉ nhân dân tệ và 5,8%. Tỉ trọng tài sản ở nước ngoài của Bocom cũng rất khiêm tốn ở 8,7%, đứng sau Bank of China và Ngân hàng Công thương (ICBC).

Quĩ đầu tư 1.000 tỉ USD của Trung Quốc im ắng lạ thường - Ảnh 1.

Tỉ lệ tài sản ở nước ngoài (tính cả Hong Kong) của các ngân hàng Trung Quốc. Nguồn: Bloomberg.

Đối với CIC, sự đi xuống gần đây có một phần nguyên nhân là do thiếu vắng Chủ tịch. Cũng có thể quĩ này đang tỏ ra thận trọng sau khi thiệt hại với khoản đầu tư vào các công ty hàng hóa đã phá sản, đồng thời thua lỗ khi dùng tiền cứu trợ Morgan Stanley. Cổ phần của CIC tại Tập đoàn Blackstone được bán ra trong năm 2018 sau hơn một thập kỉ nắm giữ, cũng chịu lỗ trên giấy tờ trong những năm đầu tiên.

Quĩ đầu tư 1.000 tỉ USD của Trung Quốc im ắng lạ thường - Ảnh 2.

Năm 2017, CIC đầu tư 43,6% danh mục vào cổ phiếu niêm yết, 39,3% vào các loại tài sản thay thế, 15,9% vào trái phiếu, tín phiếu, và 12% để ở tiền mặt và các tài sản khác. Nguồn: Bloomberg.

Khoản đầu tư khủng gần đây nhất của CIC là việc chi 12,25 tỉ euro (14,2 tỉ USD) để mua lại công ty logistics châu Âu Logicor từ quĩ bất động sản của Blackstone năm 2017. Đây cũng là thương vụ mua lại lớn nhất mà CIC từng thực hiện.

Thương vụ này càng gây nhiều sự chú ý bởi nó được thực hiện mặc dù chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực chặn dòng vốn chảy ra khỏi nước. Khoản đầu tư này cũng trái ngược hoàn toàn với các thương vụ khác của quĩ trong thời gian qua, thường mang tính thụ động và nhỏ lẻ.

Năm ngoái, CIC cùng với Ireland đầu tư vào một quĩ công nghệ trị giá 150 triệu euro và cùng với Goldman Sachs đầu tư vào một quĩ 1,5 tỉ USD tập trung vào các doanh nghiệp Mỹ có lợi ích kinh doanh ở Trung Quốc.

Quĩ đầu tư 1.000 tỉ USD của Trung Quốc im ắng lạ thường - Ảnh 3.

Những thương vụ đầu tư lớn nhất trong lịch sử của CIC. Nguồn: Bloomberg.

Đưa CIC quay lại thời kì rực rỡ sẽ là một cuộc chiến rất khó khăn cho tân chủ tịch Peng, không phải chỉ vì chuyện thiếu nguồn vốn mới mà còn liên quan đến các mối quan hệ.

Cả hai người tiền nhiệm của ông Peng đều có quan hệ chính trị sâu rộng: ông Ding từng có nhiều năm làm quan chức cấp cao trong Bộ Tài chính còn ông Lou Jiwei là một Đảng viên Đảng Cộng sản lâu năm cuối cùng trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Là Chủ tịch của ngân hàng thương mại nhà nước Bocom, ông Peng có thể coi là một người được Bắc Kinh bổ nhiệm, nhưng kinh nghiệm trong chính phủ của ông Peng khá hạn chế. Thực tế này có thể khiến nỗ lực phát triển ra nước ngoài của CIC gặp khó khăn.

Về bối cảnh bên ngoài, CIC không những phải đối mặt với sự hoài nghi của thế giới đối với các thương vụ có Trung Quốc tham gia, mà còn cả môi trường đầu tư không mấy khả quan. Tổng Giám đốc CIC trả lời hãng tin Bloomberg cho biết, sau khi đạt được lợi nhuận từ đầu tư nước ngoài cao kỉ lục năm 2017, tỉ suất lợi nhuận năm ngoái chắc chắn đi xuống do biến động thất thường của thị trường toàn cầu.

Suy cho cùng, việc CIC muốn một tỉ suất sinh lợi ổn định bằng cách giảm tỉ trọng đầu tư vào cổ phiếu để chuyển sang các loại tài sản thay thế có thể phản tác dụng. Từ năm 2016, bất động sản luôn là một lĩnh vực cần tránh xa. Các quĩ đầu cơ và đầu tư vốn tư nhân (private equity) đòi hỏi đội ngũ nhân sự chất lượng cao mà CIC hiện không có sau làn sóng nghỉ việc hồi năm ngoái.

Kiên Dương, Song Ngọc