Chuyên gia kinh tế lần đầu lo ngại về kinh tế Trung Quốc trong 30 năm
Ông Jim O'Neill, cựu Chủ tịch Goldman Sachs Asset Management (Nguồn: Bloomberg)
Trong kinh tế học, "BRIC" là thuật ngữ viết tắt để chỉ những nước có nền kinh tế mới nổi đang ở giai đoạn phát triển kinh tế và quy mô tương đồng gồm Brazil, Nga (Russia), Ấn Độ (India) và Trung Quốc (China). Nhóm này thường gọi là BRICS hoặc "các nước BRIC".
Phát biểu tại Hội thảo Ambrosetti trên bờ Hồ Como, gần Milan (Italy), ông Jim O'Neill cho biết Trung Quốc đã trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu và bất kì sự sụt giảm nào tại quốc gia này cũng có khả năng kéo các nền kinh tế khác xuống.
"Tôi phải nói rằng, trong năm vừa qua, lần đầu tiên sau 30 năm, tôi cảm thấy lo ngại hơn một chút về một số khía cạnh trên con đường phát triển của Trung Quốc so với trước đây", cựu Chủ tịch của Goldman Sachs Asset Management hôm 4/4 cho hay.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng 6,6% trong năm 2018 - tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990.
Dữ liệu người tiêu dùng gần đây cũng khiến những người theo dõi thị trường lo ngại. Tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã giảm từ 9,1% năm 2017 xuống còn 6,9% năm 2018. Ngoài ra, doanh số ô tô cũng đã giảm, dấy lên lo ngại về nợ hộ gia đình. Các doanh nghiệp lớn như Apple cũng đã cảnh báo về nhu cầu giảm ở đất nước hơn 1,4 tỉ người này.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho biết lĩnh vực dịch vụ vẫn ổn định và nhấn mạnh các biện pháp kích thích mà chính phủ Trung Quốc đã đưa ra như giảm thuế thu nhập cá nhân và bơm tiền mặt từ ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, đối với ông O'Neill, những động thái trên sẽ được theo dõi cẩn thận và chỉ khiến ông lo ngại thêm nếu chúng thất bại.
"Tôi hi vọng các sáng kiến chính sách mà chính quyền Trung Quốc đã thực hiện kể từ đầu năm, vốn hướng tới người tiêu dùng, sẽ có ích. Bởi nếu không, điều đó sẽ gây phiền hà lớn", ông nói.
"Khoảng 85% tổng GDP toàn cầu trong thập kỉ này đến từ Mỹ và Trung Quốc, trong đó 50% đến từ Trung Quốc, cũng có nghĩa là từ người tiêu dùng Trung Quốc. Vì vậy, sự gia tăng về số lượng người tiêu dùng, dù chậm lại, đóng vai trò quan trọng cho toàn bộ nền kinh tế thế giới, chứ không chỉ cho Trung Quốc. Đây là trọng điểm trong quan điểm của tôi".