|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quản lý thị trường cảnh báo kit test nhanh COVID-19 rao bán trên mạng

03:28 | 04/06/2021
Chia sẻ
Trên mạng xã hội những ngày gần đây, một số cá nhân quảng cáo bán bộ kit test nhanh COVID-19. Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cảnh báo, người dân phải hết sức cảnh giác khi mua loại ki
Quản lý thị trường cảnh báo kit test nhanh COVID-19 rao bán trên mạng - Ảnh 1.

Bộ kit test nhanh Covid-19 được rao bán trên một sàn thương mại điện tử. (Nguồn: Dân Trí)

Trên mạng xã hội những ngày gần đây, một số cá nhân quảng cáo bán bộ kit test nhanh COVID-19. Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cảnh báo, người dân phải hết sức cảnh giác khi mua loại kit thử này.

Những ngày gần đây, báo chí liên tục đưa tin trên một số trang thương mại điện tử và mạng xã hội rao bán bộ kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 với lời quảng cáo: "Đây là 1 trong 2 bộ kit xét nghiệm được cấp phép bán tại hiệu thuốc nội địa của Hàn Quốc. Một bộ gồm 2 test dùng cho 2 người hoặc 2 lần sử dụng, có kết quả ngay sau 15 phút".

Bộ kit test nhanh phát hiện bệnh COVID-19 đang được rao bán với giá từ 700.000-800.000 đồng/bộ, tùy nơi sản xuất với lời quảng cáo có kết quả xét nghiệm sẽ có sau 15 phút. Nếu bảng hiện 1 vạch là âm tính, 2 vạch là dương tính.

Do vậy, việc lấy mẫu cũng được người bán quảng cáo là "cực kỳ dễ dàng" bằng cách dùng que lấy dịch ở mũi, sau đó bơm vào dung dịch và chờ kết quả. Bởi nhu cầu cá nhân nên nhiều người đã tự mua các sản phẩm này về để sử dụng.

Liên quan đến vấn đề này, chiều 3/6, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, hiện không có quy định cấm người dân mua, sử dụng kit test nhanh SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, các kit test nhanh bán trên thị trường chủ yếu là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không được cơ quan thẩm quyền cấp phép, đánh giá chất lượng.

Ông Nguyễn Đức Lê khẳng định, đối với mặt hàng kit test thử nhanh SARS-CoV-2, Tổng cục đã giao cho Cục Quản lý thị trường các địa phương nhanh chóng phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để kiểm tra, xác minh thông tin các sản phẩm đang được rao bán trên các sàn.

Tổng cục cũng đặc biệt nhấn mạnh tới các đơn vị, trường hợp phát hiện các vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Những sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người cần được các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế kiểm nghiệm và cấp phép. Tổng cục Quản lý thị trường khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng,” Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê bày tỏ.

Ngoài ra, Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê cũng cho biết, ngay từ cuối tháng 1/2021, khi tình hình dịch chưa diễn biến phức tạp, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành công văn hỏa tốc số 199/TCQLTT-CNV gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về triển khai phòng chống dịch COVID-19.

Trong công văn, Tổng cục yêu cầu các Cục Quản lý thị trường chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường quản lý theo địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh COVID-19.

Mới đây nhất, ngày 10/5/2021, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục có Công văn số 846/TCQLTT-CNV gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19.

Trong công văn, Tổng cục cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh và thị trường để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra tại địa phương.

Đồng thời, kiểm soát hoạt động kinh doanh các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh; chú trọng phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ dùng để phòng, chống dịch bệnh.

Uyên Hương