Quản lý chặt thị trường chứng khoán để thu hút dòng vốn ngoại
|
Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), từ đầu năm 2016 đến hết tháng 10 vừa qua, VSD đã cấp 1.383 mã số giao dịch cho các tổ chức và cá nhân nước ngoài. Như vậy, trung bình một ngày, thị trường chứng khoán Việt Nam đón thêm khoảng 4 nhà đầu tư mới từ nước ngoài.
Tiêu biểu, trong vòng 10 tháng năm 2016, Công ty TNHH Quản Lý Quỹ SSI (SSIAM) đã huy động được 100 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổng vốn mới huy động cho các quỹ Andbanc Investments SIF – Vietnam Value and Income Portfolio (đầu tư chủ yếu vào cổ phiếu niêm yết), Quỹ Daiwa-SSIAM Vietnam Growth Fund II LP (đầu tư vào các công ty tư nhân) và SSIAM UCITS (đầu tư cổ phiếu niêm yết). Trong đó, quỹ SSIAM UCITS mới đi vào hoạt động từ ngày 11-11 vừa qua.
Một khảo sát về chỉ số môi trường kinh doanh quý 3-2016 vừa được Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thực hiện đối với gần 200 DN của các nước châu Âu đang đầu tư, hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam cũng cho thấy, hầu hết các DN tham gia khảo sát có ý định duy trì mức độ đầu tư trong nước, chiếm tỷ lệ khoảng 41%. Cùng với đó cũng có tới 39% DN phản hồi dự định tăng mức đầu tư và 17% dự định tăng đáng kể mức đầu tư. Số lượng DN phản hồi thoái vốn rất giới hạn, chưa đến 1%, giảm đáng kể so với 7% của quý trước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang nhận được sự quan tâm và đánh giá rất cao từ các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức. Nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng GDP luôn đạt mức cao, chính trị ổn định, cơ sở hạ tầng dần cải thiện và nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách nền kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, cơ hội thu hút vốn ngoại của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa nếu Việt Nam mở rộng được quy mô và nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) lên thị trường mới nổi (emerging market).
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ Dragon Capital cho biết, rất nhiều quỹ đầu tư lớn trên thế giới muốn rót vốn vào Việt Nam song lại gặp khó khăn do quy mô thị trường nhỏ.
Ngoài ra, theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), một khảo sát vừa được HoSE và Stoxplus thực hiện đối với 115 quỹ đầu tư, trong đó 75 quỹ đang quản lý 2.400 tỉ USD (đã phân bổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam 10,8 tỉ USD) cho thấy, có đến 83% khẳng định sẽ tăng quy mô đầu tư vào Việt Nam khi thị trường chứng khoán được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Đặc biệt, hơn phân nửa trong số đó cho rằng sẽ tăng quy mô trên 10 triệu USD đầu tư vào Việt Nam.
Thời gian qua, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã thể hiện nỗ lực rất lớn trong việc nâng hạng thị trường bằng việc ban hành hàng loạt văn bản, chính sách hỗ trợ thị trường. Tiêu biểu như quy định nới room cho nhà đầu tư ngoại tại Nghị định 60, việc luật hóa hoạt động niêm yết của các công ty sau cổ phần hóa tại Nghị định 145… Tuy nhiên, để việc thu hút vốn ngoại thật sự bền vững, bên cạnh các giải pháp tăng cung, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng cần cải thiện chất lượng của hàng hóa trên thị trường. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần đổi mới “luật chơi” với những quy định và chuẩn mực cao hơn, phù hợp với sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cũng thừa nhận, trong việc xử phạt các vi phạm về chứng khoán, mặc dù kinh nghiệm của cơ quan quản lý đã tăng lên rất nhiều, nhưng các vi phạm cũng ngày càng tinh vi hơn. Ngoài ra, mức xử phạt hành chính của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn còn nhẹ.
Nguyên nhân là do thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong công tác thanh tra và xử lý vi phạm chứng khoán còn hạn chế. Việc tiếp cận tài khoản ngân hàng, tiếp cận thư điện tử của DN, cá nhân… để phát hiện dấu vết vi phạm còn gặp không ít khó khăn. Ủy ban chứng khoán đã nhiều lần xin bổ sung thẩm quyền này vào Luật chứng khoán nhưng chưa được chấp thuận.
Ông Bằng cho biết, thời gian tới khi tiến hành sửa đổi Luật chứng khoán sắp tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục đưa ra kiến nghị này.
Về chuẩn mực kiểm toán, ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc Công ty kiểm toán Ernst & Young cho rằng dù Việt Nam đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với quốc tế. Do đó, cần sớm rút ngắn khoảng cách này để nâng cao khả năng phát hiện, tư vấn; đồng thời yêu cầu DN niêm yết thực hiện đúng các quy định về quản trị và minh bạch tài chính. Thực tế, hiện chỉ có 30 công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho gần 700 DN niêm yết. Điều này đặt ra một áp lực rất lớn khiến cho công tác kiểm toán khó đạt được sự kỹ càng và thấu đáo./.