|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Quản lí tiền như thế nào cho hiệu quả khi kinh tế khó khăn

09:31 | 04/09/2020
Chia sẻ
Business Insider đã mời một nhà lập kế hoạch tài chính nổi tiếng người Mỹ chia sẻ 4 mẹo lập ngân sách đơn giản nhưng vô cùng quan trọng để quản lí tiền hiệu quả trong thời điểm kinh tế nhiều biến động.

Từ việc các doanh nghiệp sa thải nhân viên, cắt giảm lương và các khoản thưởng cho đến kế hoạch du lịch bị hủy bỏ, làm việc từ xa và chi tiêu ít hơn cho những hoạt động ăn uống tại nhà hàng, hầu hết mọi người ở khắp nơi trên thế giới đều phải thiết lập lại ngân sách của mình vì khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh. 

Đối với một số người, điều đó có nghĩa là chuyển từ trạng thái kinh tế dư dả sang làm sao để duy trì sinh hoạt bình thường, trang trải cho cuộc sống, trong khi đối với người khác, mục tiêu ngân sách tài chính mới có thể là kiếm thêm hàng chục, hàng trăm triệu mỗi tháng.

Cho dù bạn đang ở tình trạng nào, việc điều chỉnh ngân sách tài chính sẽ giúp bạn có kế hoạch hợp lí, theo chủ đích trong thời kì khủng hoảng kinh tế. Trong những tháng tới, ngân sách tài chính mới vẫn có thể hữu ích vì không ai có thể xác định khi nào thì tình hình khả quan hơn.

Mẹo lập ngân sách tài chính trong thời điểm kinh tế có nhiều biến động

1. Tạo hai phiên bản ngân sách của bạn

Bước đầu tiên khi lập ngân sách tài chính của bạn là xem xét từng phiên bản kế hoạch song song và tập trung vào các mục khác nhau giữa hai phiên bản trong thời kì kinh tế khó khăn và lúc thông thường. Hai phiên bản ngân sách tài chính cho phép bạn điều chỉnh kịp thời để ứng phó với tình huống bất khả kháng cũng như "phục hồi" khi mọi thứ trở về với quĩ đạo vốn có.

Bạn hãy bắt đầu với thu nhập. Mức lương của bạn có thay đổi không? Tiền thưởng có bị giảm hay cắt hoàn toàn không? Việc kinh doanh có bị chậm lại hay khởi sắc? Bạn có bị cho thôi việc và mất thu nhập vì thất nghiệp không? 

Viết ra số thu nhập bạn mang về nhà hàng tháng trong những tháng kinh tế gặp khó khăn cũng như lúc bình thường, rồi hãy lấy đó làm khởi đầu cho hai phiên bản ngân sách tài chính.

Mẹo lập ngân sách tài chính khi kinh tế khó khăn - Ảnh 1.

Chuẩn bị các kịch bản ngân sách tài chính khác nhau giúp bạn ứng phó kịp thời với mọi tình huống. (Ảnh minh hoạ: Business Insider).

Sau khi đã làm rõ những thay đổi về thu nhập, bạn hãy chuyển sang chi phí. Những chi phí nào đã thay đổi khi có khủng hoảng, biến động kinh tế? Bạn có khoản nợ nào hay không và nợ bao nhiêu, thời điểm phải thanh toán là lúc nào? 

Đối với nhiều người trong chúng ta, gặp khó khăn về tài chính có nghĩa là số tiền chi cho hàng tạp hóa và đặt đồ ăn có thể cao hơn, nhưng chi phí cho hoạt động du lịch, nhà hàng, tập gym, v.v. có thể được cắt giảm.

2. Xác định xem tài chính của bạn vẫn dư giả hay thiếu hụt

Bước tiếp theo bạn cần làm là xem xét lại kế hoạch ngân sách tài chính hiện tại và đánh giá chính xác xem liệu bạn đang ở tình trạng nào, có bị bội chi hay không. Không ai mong muốn bản thân và gia đình rơi vào tình trạng thiếu thốn vì những yếu tố khách quan như khủng hoảng kinh tế nhưng bạn vẫn phải nhận rõ vấn đề để có thể lập kế hoạch xử lí vấn đề đó kịp thời với ít tác động lâu dài nhất có thể đến tài chính tổng thể của mình.

3. Lập kế hoạch kiếm thêm tiền

Trong trường hợp bạn có khả năng hoặc cơ hội kiếm thêm tiền ngay trong giai đoạn xảy ra khủng hoảng, hãy tận dụng nó. Việc có thêm tiền có thể là do bạn cắt giảm chi tiêu hoặc làm thêm, bán hàng online, v.v. 

Dù là tình huống nào, bạn hãy nắm bắt cơ hội ổn định tình hình tài chính của mình và sử dụng khoản tiền mình có một cách hợp lí. Còn nếu quĩ khẩn cấp của bạn không được dự trữ đầy đủ (ít nhất từ 3 đến 6 tháng thu nhập) thì hiện tại vẫn chưa muộn để bắt đầu. Ngoài ra, với các khoản nợ, bạn hãy trả dần từ những khoản có mức lãi xuất cao nhất.

Mặc dù tình huống của mọi người có thể khác nhau nhưng hầu như tất cả chúng ta đều gặp phải những thay đổi và buộc phải điều chỉnh ngân sách tài chính của mình khi có vấn đề khách quan, toàn cầu như khủng hoảng tài chính. Vì vậy, bạn hãy lập kế hoạch ngân sách mới càng sớm càng tốt, ghi rõ ràng và liệt kê những việc cần làm để đảm bảo một cuộc sống đầy đủ, an toàn.

Thu Phương