Quan chức diều hâu của Fed ra tín hiệu ủng hộ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6
Đi chậm lại
Chia sẻ với tờ Wall Street Journal, ông Neel Kashkari, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Minneapolis, cho biết ông có thể sẽ ủng hộ phương án giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 6.
Mục đích của quyết định này là để các quan chức có thêm thời gian đánh giá tác động của các đợt tăng lãi suất trong quá khứ và triển vọng lạm phát.
Trong cuộc phỏng vấn vào ngày 19/5, ông Kashkari cho biết: “Tôi sẵn sàng cân nhắc ý tưởng là từ giờ Fed có thể hành động chậm rãi hơn đôi chút”.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã nhanh chóng tăng lãi suất quỹ liên bang trong hơn một năm qua để kìm hãm lạm phát. Hồi đầu tháng này, các quan chức đã kéo lãi suất lên khoảng 5-5,25%, mức cao nhất trong 16 năm qua.
Giới chức Fed đã phát tín hiệu rằng quyết định lãi suất trong cuộc họp hai ngày 13-14/6 có thể sẽ rất sát sao. Một vài quan chức nói rằng lạm phát và hoạt động kinh tế chưa giảm tốc đủ để ngân hàng trung ương giữ nguyên lãi suất.
Tuy nhiên, những người khác, bao gồm Chủ tịch Jerome Powell, ám chỉ rằng Fed có thể tạm dừng tay để nghiên cứu kỹ hơn về tác động của chiến dịch tăng lãi suất.
Ông Kashkari nói: “Tôi sẽ phản bác bất kỳ tuyên bố nào nói rằng chúng tôi đã xong việc. Nếu Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) quyết định bỏ qua việc tăng lãi suất trong một cuộc họp vì các thành viên muốn có thêm thông tin, tôi có thể giải thích vì sao đó lại là hành động hợp lý".
"Giữ nguyên lãi suất trong một cuộc họp khác hoàn toàn với tuyên bố rằng ‘Chúng tôi nghĩ rằng mình đã hoàn tất nhiệm vụ’”, vị quan chức nhấn mạnh.
Ông Kashkari quan tâm tới tác động có độ trễ của các đợt tăng lãi suất và nguy cơ thắt chặt tín dụng sau sự sụp đổ của ba nhà băng khu vực tại Mỹ kể từ tháng 3.
Ông nhận xét rằng “lạm phát có vẻ đang thực sự đi xuống” dù áp lực giá không suy giảm nhanh chóng như những gì các quan chức hy vọng.
Ông nói tiếp: “Ít nhất thì lạm phát cũng không trở nên tồi tệ hơn. Nhưng còn ngành ngân hàng, liệu căng thẳng đã kết thúc hay chưa? Hay trong tương lai sẽ có thêm căng thẳng xuất hiện? Tôi nghĩ những yếu tố khó đoán này cho Fed lý do để nói rằng ‘Từ giờ chúng ta hãy đi chậm hơn một chút’”.
Trước đại dịch, ông Kashkari là một trong những thành viên có tư tưởng “bồ câu” nhất của FOMC, thường xuyên ủng hộ việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Song, từ năm ngoái, ông đã gia nhập phe “diều hâu” - ủng hộ việc thắt chặt chính sách. Ông là một trong những thành viên có quyền bỏ phiếu trong FOMC trong năm 2023.
Chủ tịch chi nhánh Minneapolis cho biết ông hiểu lý do một số người muốn tiếp tục tăng lãi suất vì lạm phát đã duy trì ở mức cao hơn, trong thời gian dài hơn những gì các quan chức dự kiến.
Ông nói: “Đối với những người bình thường, hậu quả khi lạm phát cao trên 2% lớn hơn nhiều hậu quả của việc kéo lạm phát xuống mức 2%. Do đó, tôi thà thắt chặt chính sách nhiều hơn mức cần thiết đôi chút còn hơn là hối hận vì đã không đủ cứng rắn”.
Căng thẳng trong ngành ngân hàng
Ông Kashkari chưa nhận thấy tình trạng tín dụng bị thắt chặt tại khu vực do ông phụ trách. Tuy nhiên, kinh nghiệm khi là quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã giúp ông nhận ra rằng “chưa chắc căng thẳng trong ngành ngân hàng đã chấm dứt".
"Và khi căng thẳng tiếp tục diễn ra, chúng có thể trở nên nghiêm trọng đủ để cản trở đáng kể hoạt động kinh tế”, ông Kashkari cảnh báo.
Các ngân hàng đang đối mặt với thiệt hại từ các chứng khoán nợ có lãi suất cố định mà họ đã mua khi lãi suất ở mức rất thấp vào năm 2021, mặc dù họ không phải hạch toán khoản lỗ này vào báo cáo kết quả kinh doanh nếu có thể nắm giữ chúng cho đến ngày đáo hạn.
Thêm nữa, đường cong lợi suất của Mỹ đang bị đảo ngược – tức lợi suất của các khoản nợ ngắn hạn lại cao hơn lợi suất của trái phiếu dài hạn – đang cản trở các ngân hàng cho vay lấy lãi.
Ông Kashkari nói tiếp: “Chắc chắn rằng đường cong lợi suất đảo ngược gây bất lợi cho các ngân hàng, bởi nó trái với các nguyên tắc cơ bản trong mô hình kinh doanh của họ. Đường cong này bị đảo ngược càng lâu, môi trường hoạt động của các ngân hàng càng trở nên khó khăn”.
Ông cho rằng căng thẳng trong ngành ngân hàng sẽ phụ thuộc một phần vào triển vọng của lạm phát. Nếu lạm phát hạ nhiệt nhanh chóng, Fed có thể sẽ sớm hạ lãi suất vào đầu năm tới, làm giảm áp lực cho các nhà băng.
Nhưng nếu lạm phát kéo dài dai dẳng và buộc Fed phải duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hoặc tiếp tục tăng lãi suất, thì căng thẳng trong ngành ngân hàng “có nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn”.