|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Qua TikTok, có lẽ Tổng thống Trump muốn doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc tránh xa thị trường Mỹ?

20:05 | 05/08/2020
Chia sẻ
Thái độ cứng rắn đối với TikTok của chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện nay dường như còn gửi gắm một thông điệp khác đến các doanh nghiệp phần mềm Trung Quốc tại Mỹ.

Sau động thái gây sức ép của Washington, số phận của TikTok đang như "ngọn đèn trước gió" và phải phụ thuộc vào kết quả cuộc đàm phán giữa công ty mẹ ByteDance và Microsoft. 

Tổng thống Trump không chừa đường lui cho TikTok

Qua câu chuyện của TikTok, các công ty phần mềm Trung Quốc dường như đang đối mặt với một bài học đau đớn: Hãy quên thị trường Mỹ. Ở chiều ngược lại, giới chính trị gia Mỹ cũng không chào đón họ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng cáo buộc các phần mềm do Trung Quốc phát triển cung cấp dữ liệu người dùng cho Bắc Kinh và cho hay chính phủ Mỹ sẽ mạnh tay xử lí các ứng dụng này.

Hôm 2/8, ông Pompeo xác nhận Tổng thống Trump sẽ sớm công bố biện pháp đối phó dành cho các công ty phần mềm Trung Quốc mà Washington xem là mối đe dọa an ninh quốc gia với Mỹ.

Dù chính phủ Mỹ chưa công bố các biện pháp đáp trả, ông James Lewis - chuyên gia về chính sách công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (trụ sở tại Washington D.C.) nhận định rằng "các công ty phần mềm Trung Quốc nên từ bỏ thị trường Mỹ".

"Công chúng đang nghi ngờ các ứng dụng có liên kết với Trung Quốc và mất lòng tin nghiêm trọng với Bắc Kinh", ông Lewis nói.

Ngay cả khi một số nhà cung cấp phần mềm Trung Quốc khắc phục vấn đề lòng tin, khó khăn đang bủa vây ByteDance cho thấy chưa chắc nỗ lực của họ sẽ được đền đáp xứng đáng.

Ngày 3/8, ông Trump tuyên bố ByteDance phải bán hoạt động của TikTok tại Mỹ cho Microsoft hoặc một công ty Mỹ khác trước ngày 15/9. Nếu không, TikTok phải đóng cửa ở Mỹ - thị trường lớn thứ hai của ứng dụng sau Ấn Độ.

Tính đến tháng 4, TikTok cùng phiên bản Trung Quốc Douyin đã đạt hơn 2 tỉ lượt tải xuống trên toàn cầu, theo công ty tư vấn Sensor Tower. Chỉ riêng tại thị trường Mỹ, TikTok có hơn 180 triệu lượt tải.

Thông điệp nào ẩn sau động thái cứng rắn của chính quyền ông Trump với TikTok? - Ảnh 2.

Ảnh: Nikkei Asian Review

Theo Nikkei Asian Review, kế hoạch xử lí TikTok của chính quyền ông Trump đã thu hút thêm sự chú ý của các nhà quan sát trong lĩnh vực công nghệ.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc cũng chặn các ông lớn công nghệ Mỹ, đơn cử như công cụ tìm kiếm Google và mạng xã hội Facebook, "chiến lược của Mỹ quyết liệt và cứng rắn hơn nhiều so với của Trung Quốc", cựu giám đốc Google khu vực Trung Quốc - ông Kai-Fu Lee, bình luận.

Ông Lee chỉ ra rằng các cơ quan quản lí của Trung Quốc đã cung cấp hướng dẫn rõ ràng về phạm vi hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài ở đất nước tỉ dân. Trong khi đó, Nhà Trắng khiến TikTok không còn lựa chọn nào khác ngoài phương án bán hoạt động tại Mỹ.

Việc Washington ép TikTok bán hoạt động ở Mỹ đã khiến Bắc Kinh tức giận. Tờ China Daily gọi thỏa thuận mua lại TikTok do Washington hậu thuẫn là "hành vi trộm cắp" và đe dọa trả đũa.

Trong cuộc họp báo ngày 4/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân, cũng cáo buộc Mỹ "lạm dụng quyền lực" và sử dụng an ninh quốc gia như một biện pháp để hạ bệ các công ty nước ngoài.

Doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc nên từ bỏ tham vọng Mỹ tiến

Dù lí do thực sự sau động thái của Washington là gì, tình cảnh hiện tại của ByteDance cho thấy tương lai mờ mịt của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đang cung cấp dịch vụ ở Mỹ.

Một số tên tuổi Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ như Tencent Holdings, Alibaba Group Holding và JOYY (startup giải trí niêm yết trên sàn Nasdaq).

Thống kê từ Sensor Tower cho thấy ứng dụng mua sắm trực tuyến AliExpress của Alibaba đã có hơn 36 triệu lượt tải xuống tại Mỹ kể từ năm 2014. Trong khi đó, công cụ nhắn tin WeChat của Tencent và ứng dụng phát trực tuyến Likee của JOYY lần lượt có ít nhất 19 triệu và 16 triệu lượt tải xuống.

Ông Paul Triolo - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghệ của Eurasia Group, nhận định chính quyền Tổng thống Trump đang tìm các mục tiêu mang tính biểu tượng để thể hiện thái độ cứng rắn với Trung Quốc trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

"Cấm hoặc hạn chế WeChat có giá trị biểu tượng lớn", ông Triolo nói. "Hơn nữa, nhắm vào WeChat cũng được coi là biện pháp đáp trả có qua có lại vì các ứng dụng mạng xã hội Mỹ như Twitter và ứng dụng nhắn tin như WhatsApp đều bị hạn chế ở Trung Quốc".

Ngay cả các công ty công nghệ nhỏ của Trung Quốc cũng không thể tránh khỏi rủi ro từ chiến lược đáp trả của Mỹ.

"Các công ty phần mềm Trung Quốc sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu, bất kể số lượng người dùng ít nhiều ra sao", ông Ross Darrell Feingold - một luật sư chuyên cố vấn cho các tập đoàn đa quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung, cảnh báo.

Feingold lí giải rằng chính phủ Mỹ có thể cho rằng các công ty phần mềm nhỏ cũng như các nhà đầu tư tổ chức lớn, có uy tín thậm chí còn dễ bị yêu cầu cung cấp thông tin cho chính phủ Trung Quốc hơn.

Luật an ninh mạng năm 2017 cho phép Bắc Kinh dùng quyền lực để yêu cầu tất cả các tổ chức và cá nhân trong nước hỗ trợ công tác tình báo nước nhà.

Do thị trường nội địa vẫn là nguồn thu chính đối với hầu hết doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc nên mọi lệnh hạn chế của Mỹ cũng không thể gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của họ.

Tuy nhiên, biện pháp đáp trả của Washington có thể cướp mất cơ hội trở thành một đế chế toàn cầu của các công ty này.

Chẳng hạn, Trung Quốc hiện đang dần trở thành một xã hội không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, nỗ lực thâm nhập thị trường Mỹ của các công ty fintech Trung Quốc đã gặp trở ngại. Năm ngoái, Ant Group của Alibaba đã phải từ bỏ thỏa thuận mua lại công ty fintech MoneyGram International (trụ sở tại Mỹ) sau khi các cơ quan quản lí Mỹ can thiệp.

Ngoài ra, thái độ cứng rắn của Washington với các ứng dụng Trung Quốc dường như đang gây ra hiệu ứng domino.

Tháng trước, các nhà lập pháp Nhật Bản đã bắt đầu tìm cách hạn chế người dân sử dụng TikTok cùng một số ứng dụng Trung Quốc do lo ngại rủi ro an ninh quốc gia. Sau khi đụng độ tại biên giới với Trung Quốc, Ấn Độ cũng cấm 59 ứng dụng Trung Quốc.

Yên Khê