|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Qatar tăng sản lượng khí đốt thêm 16 triệu tấn/năm

20:00 | 25/02/2024
Chia sẻ
Ngày 25/2, Bộ trưởng Năng lượng kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn Năng lượng Quốc gia QatarEnergy, ông Saad al-Kaabi, thông báo kế hoạch tăng sản lượng khai thác LNG thêm 16 triệu tấn/năm.

Qatar tăng sản lượng khí đốt thêm 16 triệu tấn/năm. (Ảnh minh họa: The Telegraph).

Qua đó, nâng tổng sản lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của nước này lên 142 triệu tấn/năm.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Kaabi cho biết với kế hoạch trên, tổng sản lượng khai thác của mỏ khí đốt North Field tăng 85%, từ mức 77 triệu tấn/năm hiện nay lên 142 triệu tấn/năm vào năm 2030.

Cũng theo ông Kaabi, các nghiên cứu gần đây cho thấy mỏ khí đốt lớn nhất thế giới North Field chứa trữ lượng khí đốt khổng lồ ước tính lên tới 240 nghìn tỷ ft3 (khoảng 6.800 tỷ m3). Mỏ khí đốt này giúp nâng trữ lượng khí đốt của Qatar từ 1,76 triệu tỷ ft3 lên hơn 2 triệu tỷ ft3.

Do đó, Qatar sẽ bắt đầu phát triển dự án LNG mới từ khu phía Tây mỏ North Field, với sản lượng khoảng 16 triệu tấn/năm. Tập đoàn QatarEnergy sẽ sớm khởi động dự án để đảm bảo hoàn thành kế hoạch tăng sản lượng đúng hạn.

Kế hoạch mới được công bố sau khi QatarEnergy ký một loạt thỏa thuận cung ứng khí đốt dài hạn. Đầu tháng 2 này, Qatar cho biết sẽ cung cấp 7,5 triệu tấn LNG/năm cho công ty Petronet của Ấn Độ trong 20 năm, với lô hàng đầu tiên dự kiến được bàn giao vào tháng 5/2028.

Trước đó, cuối tháng 1, QatarEnergy công bố thỏa thuận với Excelerate Energy có trụ sở tại Mỹ về việc cung cấp cho Bangladesh 1,5 triệu tấn LNG/năm trong 15 năm. Năm ngoái, Qatar cũng đã ký các thỏa thuận LNG với các tập đoàn Sinopec (Trung Quốc), Total (Pháp), Shell (Anh) và Eni (Italy).

Qatar là một trong những nhà sản xuất LNG hàng đầu thế giới, cùng với Mỹ, Australia và Nga. Các nước châu Á, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, là những thị trường nhập khẩu LNG chính của Qatar nhưng gần đây nhu cầu từ các quốc gia châu Âu cũng tăng kể sau khi bùng phát cuộc xung đột Nga - Ukriane.

Nguyễn Hằng