|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

PVI trở thành công ty bảo hiểm niêm yết thứ hai đạt lợi nhuận nghìn tỷ

21:14 | 21/01/2024
Chia sẻ
PVI đã trở thành doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết thứ hai đạt lợi nhuận sau thuế trên 1.000 tỷ đồng nhờ hoạt động tài chính mạnh mẽ trong năm 2023.

CTCP PVI (PVI - Mã: PVI) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 131,2 tỷ đồng, giảm 22,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xét cả năm, lợi nhuận của công ty bảo hiểm này vẫn tăng 17%, lên 1021,9 tỷ đồng.

Với kết quả trên, PVI là công ty bảo hiểm niêm yết thứ hai tại Việt Nam, sau Bảo Việt cán mốc lợi nhuận sau thuế hơn 1.000 tỷ đồng. Với mục tiêu lợi nhuận khiêm tốn chỉ 793 tỷ đồng, PVI đã hoàn thành 128,9% kế hoạch đề ra. 

Lợi nhuận sau thuế của PVI lần đầu tiên vượt mốc nghìn tỷ đồng. 

Kết quả lợi nhuận khả quan của PVI đến từ mảng hoạt động tài chính. Trong khi đó, lãi gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, bao gồm bảo hiểm, tái bảo hiểm và các nguồn thu khác lại đi xuống trong quý IV cũng như cả năm 2023.

Xét riêng trong quý IV/2023, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 8,7%, đạt 1.687,9 tỷ đồng do phí nhượng tái bảo hiểm và dự phòng phí tăng lên. Giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp giảm 9% nhờ chi bồi thường bảo hiểm gốc tụt hơn 31%. Tuy nhiên, lãi gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ vẫn thấp hơn cùng kỳ 6,6%, đạt 240,7 tỷ đồng. 

Hoạt động tài chính không còn ghi nhận kết quả mạnh mẽ như các quý trước do chi phí tăng mạnh. Tuy nhiên, PVI vẫn kiếm được 196,3 tỷ đồng từ mảng kinh doanh này, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Các hoạt động khác đóng góp không đáng kể vào cơ cấu thu nhập của PVI. 

Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 18,7% so với cùng kỳ do mức chi phí nhân viên đi lên, khiên lợi nhuận trước thuế quý IV của PVI giảm 16,9%, xuống còn 214,2 tỷ đồng.

 

Cả năm, PVI đã thu về 1.036,7 tỷ đồng từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 1,7% so với cùng kỳ.

Hoạt động tài chính trong năm 2023 ghi nhận kết quả mạnh mẽ, giúp công ty kiếm được 935 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 33% so với năm ngoái.

Trong đó, lãi tiền gửi, tiền cho vay là 789,4 tỷ đồng, lãi trái phiếu, giấy tờ có giá là 298,1 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh cổ phiếu và chia cổ tức đem về cho PVI gần 130 tỷ đồng. Đặc biệt, lãi tiền gửi năm 2023 của PVI tăng gần gấp đôi so với 2022, các doanh thu tài chính khác ổn định.

Các hoạt động khác không đóng góp nhiều vào lợi nhuận. Sau khi trừ chi phí quản lý doanh nghiệp 721,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của PVI đạt 1.253,2 tỷ đồng, tăng 13,4% so với đầu năm. 

Lãi tiền gửi năm 2023 của PVI tăng gần gấp đôi so với 2022. (Ảnh: PVI).

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của PVI đạt 26.946 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cuối năm 2022 và đứng thứ hai trong số các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết. Tuy nhiên, quy mô tổng tài sản của PVI chỉ bằng khoảng 1/8 so với Bảo Việt.

So với đầu năm, PVI đã giảm số dư đầu tư tài chính ngắn hạn 11,8%, xuống 7.613 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào tiền gửi ngắn hạn, với số dư trên 5.700 tỷ đồng, tăng thêm gần 300 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó, số dư trái phiếu ngắn hạn đã giảm từ gần 1.572 tỷ đồng xuống 1.162 tỷ đồng. 

Cùng với đó, PVI đã tăng các khoản đầu tư dài hạn thêm 104,6%, đạt 4.468 tỷ đồng, chủ yếu dưới dạng tiền gửi có kỳ hạn dài (2.774 tỷ đồng vào cuối năm 2023). Tương tự như trái phiếu ngắn hạn, số dư trái phiếu dài hạn của PVI cũng giảm từ 1.700 tỷ đồng xuống 1.589 tỷ đồng. 

PVI tăng đầu tư vào tiền gửi, giảm trái phiếu, chứng khoán. 

Tổng giá trị cổ phiếu, trái phiếu kinh doanh của PVI cũng đã tụt sâu, từ 1.672 tỷ đồng vào đầu năm xuống 783,7 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 53%.

Minh Quang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).