|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PVEP dự kiến nộp ngân sách cả năm 7.800 tỷ đồng, tăng 40% so với năm trước

08:10 | 20/09/2021
Chia sẻ
Trong 8 tháng đầu năm, PVEP đã vượt 7% chỉ tiêu nộp ngân sách nhà nước năm với 5.164 tỷ đồng.
PVEP dự kiến nộp ngân sách cả năm 7.800 tỷ đồng, tăng 40% so với 2020 - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: PVEP).

Theo nguồn tin từ TTXVN, năm nay, Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) dự kiến nộp ngân sách nhà nước 7.800 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2020, nếu giá dầu bình quân cả năm khoảng 68 USD/thùng.

Nếu cuối năm, giá dầu đạt 70 USD/thùng như dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế, ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Tổng giám đốc PVEP ước tính đóng góp cho ngân sách nhà nước của PVEP sẽ còn cao hơn nhiều.

Cả năm nay, sản lượng khai thác dầu thô của PVEP dự kiến đạt 3,42 triệu tấn dầu quy đổi, vượt 2% kế hoạch năm.

PVEP dự kiến nộp ngân sách cả năm 7.800 tỷ đồng, tăng 40% so với 2020 - Ảnh 2.

Diễn biến giá dầu thô WTI trong 6 tháng gần đây. (Nguồn: TradingView).

Trước đó, PVEP đã công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm với tổng doanh thu 19.930 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 5.164 tỷ đồng, lần lượt thực hiện 99,7% kế hoạch doanh thu và vượt 7% mục tiêu ngân sách năm.

Ông Hoàng Ngọc Trung cho biết, để vượt qua các khó khăn kép của năm, ngay từ đầu năm, PVEP đã xây dựng kịch bản vận hành và khai thác các mỏ, tương ứng với từng mốc giá dầu 35 USD/thùng, 40 USD/thùng, 50 USD/thùng và trên 60 USD/thùng để đảm bảo chủ động sản xuất,...

Từ giữa năm, PVEP đã đưa mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn hai vào khai thác, đồng thời đưa mỏ Đại Hùng vào khai thác trở lại bình thường sau thời gian dự án phải dừng hoạt động để thực hiện hủy giếng theo quy định của pháp luật.

Theo PVEP, để hoàn thành mục tiêu cả năm, công ty đã kiến nghị cơ quan chức năng liên quan tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm xăng dầu tại thị trường trong nước khi việc giãn cách xã hội đã khiến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu thấp, làm tồn kho xăng dầu tăng cao.

Hiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang vận hành với công suất trên dưới 80%, ảnh hưởng tới việc bán dầu của PVEP theo các hợp đồng dài hạn cho CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR) - đơn vị quản lý vận hành nhà máy. Hệ quả, hoạt động khai thác của PVEP có thể bị ảnh hưởng.

Đồng thời, đại diện PVEP cũng kiến nghị chính phủ tạo điều kiện để khẩn trương đưa các dự án trọng điểm như Chuỗi dự án khí lô B - Ô Môn, dự án Khí Cá Voi Xanh miền Trung vào vận hành.

Minh Hằng