|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PVC - từ đỉnh cao xuống vực thẳm dưới thời Trịnh Xuân Thanh

08:47 | 01/08/2017
Chia sẻ
Cho đến trước năm 2011, PVC vẫn là một trong những tổng công ty làm ăn hiệu quả, có lãi của PVN. Song, sự tăng trưởng này không được duy trì sau đó. Đỉnh điểm khó khăn đối với PVC đến vào năm 2012, khi công ty bắt đầu ghi nhận những khoản lỗ lớn.
pvc tu dinh cao xuong vuc tham duoi thoi trinh xuan thanh Cận cảnh những căn biệt thự triệu USD của Trịnh Xuân Thanh
pvc tu dinh cao xuong vuc tham duoi thoi trinh xuan thanh Lãnh đạo PVC hiện tại nắm giữ bao nhiêu cổ phiếu?
pvc tu dinh cao xuong vuc tham duoi thoi trinh xuan thanh Ông Trịnh Xuân Thanh: Con đường quan lộ và bước chân xuống 'đầm lầy'

PVC trước thời Trịnh Xuân Thanh

Năm 1983, tiền thân của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) là Xí nghiệp Liên hợp Xây lắp dầu khí được thành lập. Đến 1995, Xí nghiệp chuyển đổi thành Công ty Thiết kế và Xây dựng dầu khí. Năm 2005, công ty được cổ phần hoá với số vốn điều lệ là 150 tỷ đồng và đến 2007 đã chuyển đổi thành Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC).

Năm 2008, khi Trịnh Xuân Thanh đang nắm giữ chức Tổng giám đốc, Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã góp vốn khiến vốn điều lệ của PVC tăng lên mức 1.500 tỷ đồng. Hành động này của PVN được đánh giá là nhằm đưa PVC thành đơn vị đảm nhiệm toàn bộ công việc thi công xây lắp các công trình dầu khí trên bờ.

Thực tế sau đó, PVC đã được đảm nhiệm nhiều dự án có quy mô hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng như: Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Vũng Áng, Ethanol Phú Thọ, Lọc dầu Nghi Sơn… Trong vài năm sau đó, PVC nhanh chóng trở thành một trong những tổng công ty mạnh của PVN.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu chỉ tập trung vào hoạt động xây lắp để phục vụ cho các dự án của PVN thì PVC "sống khá khỏe". Việc có quá nhiều tiền, quá nhiều dự án và sau đó lãnh đạo PVC bắt đầu rót vốn vào các công ty tài chính và dồn quá nhiều tiền vào lĩnh vực bất động sản khiến tổng công ty này sau đó phải trả giá khi thị trường bất động sản thoái trào với nhiều dự án đình trệ.

PVC thời Trịnh Xuân Thanh "cầm cương"

Trịnh Xuân Thanh giữ chức Chủ tịch HĐQT PVC trong giai đoạn 2/2009 - 4/2013. Thời kì đầu khi ông Thanh là chủ tịch, PVC tiến hành niêm yết 150 triệu cổ phiếu mã PVX và đến tháng 7/2010, công ty phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 2.500 tỷ đồng.

Cho đến trước năm 2011, PVC vẫn là một trong những tổng công ty làm ăn hiệu quả, có lãi của PVN. Song, sự tăng trưởng này không được duy trì sau đó. Đỉnh điểm khó khăn đối với PVC đến vào năm 2012, khi công ty bắt đầu ghi nhận những khoản lỗ lớn.

Bắt đầu từ 2012, PVC đã dành tới 86% vốn điều lệ (tương đương 3.371 tỷ đồng) rót vào các hạng mục đầu tư ngoài ngành, công ty thành viên và rơi vào cảnh nợ nần.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh của PVC, do không có nguồn việc mới nên sản lượng, doanh thu của tổng công ty năm 2012 giảm nghiêm trọng. Việc đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết cũng gây thất vọng. Thậm chí, đây là nguyên nhân khiến PVC có thêm gánh nặng khi các đơn vị này thua lỗ kéo dài.

pvc tu dinh cao xuong vuc tham duoi thoi trinh xuan thanh
Ông Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: VTC.

Tới hết năm 2012, Công ty liên kết PVC – Land lỗ 66,4 tỷ đồng; PVC – Sài Gòn lỗ 85,8 tỷ đồng, và nhiều công ty thành viên khác ghi nhận lỗ... Vì thế, lợi nhuận sau thuế 2012 của PVC là âm 1.847 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ tới 1.338 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn này, PVC đã phát hành thêm 150 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, chính PVN là đơn vị đã phải chi trên 1.000 tỷ đồng để mua lại phần lớn số cổ phiếu PVX được phát hành thêm của PVC, giúp công ty này thoát cảnh thâm hụt dòng tiền.

6 tháng đầu năm 2013 PVC tiếp tục báo lỗ hợp nhất gần 2.230 tỷ đồng và cả năm 2013 là gần 3.300 tỷ.

Báo cáo của Ban kiểm soát tại đại hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết, năm 2013 doanh nghiệp này lỗ gần 2.300 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ gần 1.930 tỷ.

Lỗ hợp nhất cả năm 2013 của PVC là gần 3.300 tỷ đồng. Thua lỗ lớn, nên tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của PVC năm 2013 âm tới 150,09%. PVC tiếp tục rơi vào vòng xoáy mất cân đối dòng tiền.

"Việc thua lỗ do có nhiều sai lầm về chiến lược. Dù hoạt động theo mô hình công ty mẹ-con nhưng công ty mẹ không tập trung nâng cao năng lực quản trị và năng lực thi công xây lắp, phát triển đội ngũ chuyên gia và công nhân tay nghề cao mà chỉ tập trung đầu tư tài chính, thu phí quản lý từ các dự án, công trình được giao. Vì vậy, công ty không có yếu tố phát triển bền vững, hoàn toàn dựa vào các công ty con, công ty liên kết", báo cáo của PVC thừa nhận.

Một điểm khác khiến PVC phải trả giá chính là hầu hết các công ty con của PVC không tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của công ty mẹ. Các công ty này cũng không xây dựng bộ máy quản trị, chiến lược kinh doanh trong tổng thể toàn tổng công ty. Vì thế nên không hề có sự đóng góp cho công ty mẹ, kể cả cổ tức, mà còn phát sinh thêm nghĩa vụ pháp lý, tài chính, ảnh hưởng đến uy tín công ty mẹ, gây thua lỗ về tài chính cho công ty mẹ.

Trước khi ông Trịnh Xuân Thanh chuyển sang làm công chức tại Bộ Công Thương (tháng 9/2013), PVC đã ghi nhận khoản lỗ luỹ kế đến hết năm 2013 là 3.075 tỷ đồng, dư nợ vay ngân hàng quá hạn gần 1.500 tỷ đồng.

PVC thời "hậu Trịnh Xuân Thanh"

Ban lãnh đạo PVC sau thời ông Trịnh Xuân Thanh đã phải kiến nghị tập đoàn cho phép giải thể, phá sản đối với những công ty không còn vốn chủ sở hữu, những công ty không có khả năng hoạt động liên tục. Đồng thời lãnh đạo PVC cũng xin được tiếp tục triển khai các dự án của tập đoàn để có cơ hội vượt qua khó khăn.

Tổng công ty đạt doanh thu 8.938 tỷ đồng năm 2014, song phải dành gần 1.747 tỷ đồng để bù đắp các khoản đầu tư ngoài ngành thua lỗ, thoái vốn tại các công ty con, chưa kể khoản phải trả cho nợ ngắn hạn, dài hạn khác... Vì thế lợi nhuận sau thuế 2014 chỉ đạt 10,3 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 và báo cáo tài chính công ty mẹ 2015, doanh nghiệp này vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng tài chính. Dù ghi nhận khoản lãi 22,7 tỷ đồng sau thuế, nhưng tổng dư nợ vay vốn của các đơn vị có bảo lãnh của PVC đến 31/12/2015 là 288,23 tỷ đồng, chưa bao gồm 91,36 tỷ đồng đã bị các ngân hàng siết nợ...

Tô Đức