|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Profile đỉnh của lãnh đạo startup được Masan mua lại: Từng là sếp tại VTV, lão làng trong ngành viễn thông

07:25 | 25/09/2021
Chia sẻ
Vừa qua, Masan đã gây chú ý khi chi gần 300 tỷ đồng để mua lại một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực mạng di động ảo (MVNO).

Mobicast được thành lập năm 2016 với sứ mệnh nghiên cứu và lập dự án cấp phép. Ngày 11/9/2018, được sự đồng ý của Tập đoàn VNPT, Mobicast đã ký kết với VNPT để sử dụng hạ tầng của VNPT trên toàn bộ 63 tỉnh, thành. Là công ty startup trong lĩnh vực mạng di động ảo (MVNO), Mobicast sở hữu thương hiệu mạng Reddi tích hợp hoàn chỉnh các dịch vụ viễn thông.

Mới đây, Mobicast đã gây chú ý khi được công ty TNHH The Sherpa – một thành viên của CTCP Tập đoàn Masan (mã: MSN) mua lại 70% cổ phần với giá trị tiền mặt là 295,5 tỷ đồng.

Nói về thương vụ này, Tổng giám đốc Masan Group, ông Danny Le cho biết Reddi chính là mảnh ghép đầu tiên để số hóa "Point of Life", từng bước tích hợp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu vào một nền tảng duy nhất.

Profile "đỉnh" của lãnh đạo Mobicast

Kể từ khi thành lập, Mobicast tập trung xây dựng bộ máy, tổ chức điều hành, hợp tác với các đối tác để tạo hệ sinh thái tốt cũng như thiết lập các kênh phân phối. Ngày 3/6/2020, CTCP Mobicast đã chính thức khai trương nhà mạng thương hiệu Reddi với đầu số 055.

Tại thời điểm ra mắt, Reddi là mạng di động theo mô hình mạng di động ảo (MVNO) thứ hai tại Việt Nam. MVNO đầu tiên là ITelecom của Công ty CP Viễn thông Đông Dương Telecom.

Đội ngũ lãnh đạo startup vừa được Masan mua lại: Từng là lãnh đạo các đơn vị thuộc VTV, có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành viễn thông - Ảnh 1.

Ông Tràn Nam Trung, nhà sáng lập Mobicast. (Ảnh: Vietnamnet)

CEO kiêm nhà sáng lập Mobicast là ông Trần Nam Trung. Trước đây, ông Trung từng đảm nhận nhiều vị trí quản lý cấp cao như Tổng Giám đốc VTV Broadcom và Giám đốc trung tâm Công nghệ - Truyền hình Việt Nam.

Đồng thời ông Trung cũng là thành viên Hội đồng Thành viên VTV – Huyndai Homeshoping và theo tự giới thiệu, ông là người có có hiểu biết về nền kinh tế cũng như cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Trong đó, VTV Broadcom nơi ông Trung từng giữ chức CEO là công ty TNHH nhà nước MTV do Đài Truyền hình Việt Nam thành lập và sở hữu 100% vốn điều lệ.

Ngoài ra, VTV – Huyndai Homeshoping là công ty liên doanh giữa VTVcab, VTVB - các công ty con của Đài truyền hình Việt Nam và Hyundai Home Shopping - công ty Home shopping hàng đầu tại Hàn Quốc.

Đội ngũ lãnh đạo startup vừa được Masan mua lại: Từng là lãnh đạo các đơn vị thuộc VTV, có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành viễn thông - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đình Dũng, Giám đốc công nghệ tại Mobicast. (Ảnh: Mobicast).

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Dũng đang giữ chức vụ Giám đốc công nghệ tại Mobicast. Ông Dũng từng giữ vị trí quản lý tại tập đoàn COMIT, văn phòng đại diện CBOSS Việt Nam và Phó Giám đốc công ty Viễn thông VCO. Một số đối tác của Mobicast có thể kể đến như ThinkZone, $M, PVcomBank,…

Tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Mobicast

Theo BlueWireLess, MVNO có một số ưu điểm như được thiêt kế phù hợp với nhu cầu của người dùng. Chẳng hạn, các nhà khai thác di động thường cung cấp những dịch vụ chung, cố gắng phục vụ hàng triệu người tiêu dùng và doanh nghiệp với cách tiếp cận được chuẩn hóa.

Ngược lại, MVNO tập trung vào các phân khúc cụ thể trên thị trường, đưa ra các kế hoạch tùy chỉnh được thiết kế cho phân khúc đó. Ngoài ra, MVNO sẽ tập trung khai thác trọng tâm dịch vụ.

Do không cần lực lượng lao động lớn cũng như vốn đầu tư và duy trì mạng lưới, các MVNO có thể tập trung toàn lực vào việc phục vụ khách hàng, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Cuối cùng, với những lý do kể trên, các dịch vụ MVNO thường có mức giá ưu đãi hơn và tốt hơn so với MNO (MNO - các nhà mạng truyền thống như Viettel, Mobiphone,... ).

Trả lời báo giới, ông Trần Nam Trung cho biết không thể so sánh mạng di động ảo và mạng di động có hạ tầng bởi mỗi bên có một thế mạnh khác nhau. Doanh nghiệp cung cấp mạng di động ảo không cần quan tâm đến hạ tầng kỹ thuật mà chỉ tập trung vào sáng tạo và kinh doanh. Đây cũng là một lợi thế của mạng di động ảo khi không phải tập trung quá nhiều mục tiêu.

"Các nhà mạng có hạ tầng khó có thể một mình phát triển hệ sinh thái sáng tạo được. Trong khi đó mạng di động ảo có thể là một điểm thu hút sự sáng tạo này. Trước đây, khi chỉ có nhu cầu thoại và SMS, hầu như hành vi tiêu dùng của khách hàng giống nhau.

Nhưng khi khách hàng chuyển dịch sang data (dữ liệu) thì nhu cầu sử dụng của khách hàng rất khác nhau. Vì vậy, mạng di động ảo sẽ phải chia phân khúc khách hàng rất mạnh để phục vụ.

Do đó, mạng di động Reddi tập trung vào đối tượng khách hàng du lịch, khách hàng trẻ, tiêu dùng data nhiều, thích trải nghiệm, khám phá những tiện ích mới và nhiệm vụ của Reddi làm thỏa mãn nhu cầu của họ", ông Trần Nam Trung nói.

Đồng thời, ông Trung cho biết Reddi sẽ tập trung vào giá trị của dịch vụ để giữ chân khách hàng chứ không chạy theo xu hướng về giá. Tính tới tháng 6/2020, Reddi tập trung thiết kế khoảng 5 gói cước đơn giản như gói ngày, gói tháng, gói ngày tháng,… để khách hàng có thể điều chỉnh gói cước theo nhu cầu sử dụng.

Quốc Anh