PPP hài hòa lợi ích nhà nước - nhà đầu tư
Khai thác nhiều nguồn vẫn thiếu tiền
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, cho biết Hội nghị Trung ương 5 Khóa 12 xác định xã hội hóa nguồn lực đầu tư rất quan trọng, để giải quyết bài toán thiếu vốn cho các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn. Trong đó, hợp tác công tư được xem là một trong giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn về đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ, nhất là các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn như TPHCM.
Trong những năm gần đây, xã hội hóa đầu tư ngày càng phát triển lan tỏa đến hầu hết lĩnh vực đời sống xã hội, đây là kênh huy động vốn hữu hiệu nhất nhằm tiết kiệm ngân sách, giảm áp lực nợ công, phát tiển đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các thành phần kinh tế trong xã hội.
Ông NGUYỄN THÀNH PHONG,
Chủ tịch UBND TPHCM
Điều này càng có ý nghĩa hơn khi trong thời gian qua, số lượng dự án đầu tư công tư chỉ chiếm 5% tổng số dự án đầu tư công của TP, trong khi nguồn lực huy động rất lớn, tính trung bình huy động 3.000 tỷ đồng từ xã hội cho mỗi dự án. Thế nhưng, ngân sách nhà nước (NSNN) chỉ có thể cân đối được 30.000 tỷ đồng cho đầu tư công mỗi năm.
Dù đạt được kết quả khá tích cực, song quá trình thực hiện cũng bộc lộ không ít hạn chế. Do đó cần rút ra những bài học để thực hiện hiệu quả đầu tư công tư trong thời gian tới. Đó là hệ thống hành lang pháp lý cần được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, cho biết tình hình đầu tư trên địa bàn TP thời gian qua, ước tính dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP giai đoạn 2016-2020 cần khoảng 1.829.385 tỷ đồng (tăng bình quân mỗi năm 8,4%), tăng 53,3% so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, đầu tư từ NSNN chiếm 43,5% vốn đầu tư từ khu vực nhà nước, và chiếm khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP, bình quân mỗi năm tăng 9,1%.
Vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước, phần lớn từ doanh nghiệp 1.120.598 tỷ đồng, chiếm 61,2% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tăng bình quân mỗi năm 8,2%. Vốn đầu tư từ khu vực nước ngoài (FDI) 332.567 tỷ đồng, chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP và tăng bình quân mỗi năm 8,4%.
Theo bà Mai, để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), tổng nhu cầu vốn đầu tư từ NSNN 326.556 tỷ đồng. Trong khi đó, khả năng cân đối từ NSNN 171.895,758 tỷ đồng chỉ đáp ứng được 52% nhu cầu đầu tư. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương 21.895,758 tỷ đồng (vốn ngân sách bổ sung có mục tiêu 8.487,764 tỷ đồng, vốn ODA ngân sách Trung ương cấp phát 13.407,994 tỷ đồng); vốn ngân sách TP 150.000 tỷ đồng.
Để khai thác nguồn thu từ nhà, đất, TP đã thực hiện nhiều hình thức, như thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc thực hiện đấu thầu các dự án có sử dụng đất; áp dụng hình thức nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm hoặc trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê, tạo quỹ đất khi xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị; xử lý sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.
Hơn 130 dự án án PPP đang chờ nhà đầu tư
Tính từ năm 2000 đến thời điểm hiện nay, có 22 dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng PPP, với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 69.869 tỷ đồng. Trong đó có 16 dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, 3 dự án hạ tầng kỹ thuật, 2 dự án môi trường và 1 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa.
Để thành công PPP, phải nhìn nhận đây là mô hình hợp tác dài hạn, trong đó khu vực công và tư cùng chia sẻ không chỉ lợi ích mà cả rủi ro. 2 chủ thể này không được chia sẻ đồng đều, khả năng thất bại rất cao. Theo đó, các khung pháp lý, quy định và thể chế phải rõ ràng, chặt chẽ để giúp nhà đầu tư có thể chấp nhận rủi ro trong dài hạn với mức độ chắc chắn nhất định.
Ông OUSMANE DIONE,
Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam WB
Bên cạnh đó, TP đang tiếp tục thực hiện 130 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 380.947 tỷ đồng. Xét về quy mô, giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2011-2015 (tăng từ 1.192.983 tỷ đồng lên 1.829.385 tỷ đồng), trong khi đó tỷ trọng vốn đầu tư từ NSNN trên vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 giảm so với giai đoạn 2011-2015 (giảm từ 9,2% xuống còn 8,9%).
Những con số trên cho thấy, TPHCM đang đứng trước những thách thức về nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ dân số ngày càng tăng, cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu đô thị hóa, phục hồi lão hóa cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng trong điều kiện nguồn vốn của Nhà nước đang hạn hẹp.
Nhìn vào số liệu tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội, cũng cho thấy nguồn vốn đầu tư từ ngân sách TP những năm qua chỉ đóng vai trò vốn mồi để thu hút đầu tư. Với quy mô đầu tư toàn xã hội lên đến 1.829.385 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách chỉ chiếm khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP.
Trong bối cảnh các nguồn vốn nhà nước dành cho đầu tư phát triển hạn chế; vốn trái phiếu chính phủ không thể mãi phát hành và vốn ODA vay cũng bị giới hạn bởi ngưỡng an toàn tài chính quốc gia. Do vậy việc phát triển, thúc đẩy kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP là yêu cầu tất yếu.
Ông Ousmare Dione, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam thuộc Ngân hàng Thế giới, đánh giá TPHCM là một đại đô thị, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đứng đầu cả nước. Theo ông Ousmare Dione, để duy trì lợi thế cạnh tranh cũng như giải quyết các thách thức từ tốc độ đô thị hóa nhanh, TP cần đầu tư hạ tầng nhiều hơn, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục và môi trường.
Nhưng nếu chỉ dựa vào đầu tư công TP không đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về hạ tầng và dịch vụ. Vì vậy, TP cần cải thiện hiệu quả đầu tư công và hướng đến việc phát huy tốt hơn nguồn lực từ khu vực tư nhân. PPP là giải pháp cho vấn đề trên, giải quyết được nhu cầu hạ tầng và gia tăng phúc lợi xã hội cho TP.
Dự án cải tạo nhà ở ven kênh, rạch TPHCM cần nguồn vốn rất lớn, nếu không xã hội hóa sẽ khó thực hiện. Ảnh: L.Thanh
PPP- mô hình không thể ngắn hạn
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa mô hình PPP sẽ giúp cơ quan nhà nước tham khảo, học tập trình độ công nghệ, kinh nghiệm quản lý của khu vực tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, nhằm đóng góp cho phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ công.
Vai trò của khu vực tư nhân trong PPP không chỉ là vấn đề cung cấp vốn cho các khu vực công, mà sự đóng góp không kém phần quan trọng của khu vực tư nhân thuộc về các sáng kiến để giải quyết các vấn đề của dự án cũng như thế mạnh về công nghệ, kỹ thuật và khả năng quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình dự án để đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng chất lượng dịch vụ công.
Trong giai đoạn đầu những năm 2000 đến nay, dù có nhiều nỗ lực để huy động các nguồn lực đầu tư, nhưng khả năng huy động nguồn vốn PPP của TP luôn thiếu hụt so với nhu cầu thực tế. Để đẩy mạnh mô hình PPP, TP cần xây dựng các giải pháp theo những định hướng, quan điểm, xem PPP là quan hệ đối tác, bình đẳng giữa các bên tham gia hợp đồng.
PPP là hợp đồng dài hạn (20-30 năm), ẩn chứa nhiều rủi ro trong tương lai. Do đó cần cách làm bài bản từng bước, bố trí đủ nguồn lực đầu tư, chính sách rõ ràng và quan trọng là phải ổn định chính sách. Nhà đầu tư PPP phải có lợi nhuận khi thực hiện đầu tư. Việc thực hiện dự án PPP cần đảm bảo nguyên tắc của thị trường, đặt yếu tố cạnh tranh, công bằng và minh bạch, hợp đồng dự án phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Đại diện Sở KH-ĐT cho biết, trong thời gian tới sẽ tổ chức thực hiện các cơ chế huy động nguồn vốn đầu tư, tập trung vào các giải pháp chính, như hoàn thiện khung pháp lý về quản lý đầu tư theo hình thức PPP; xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư; huy động từ nguồn lực đất đai, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để tạo vốn góp của Nhà nước tham gia các dự án PPP; tổ chức bán đấu giá tài sản, nhà đất thuộc sở hữu nhà nước để tạo nguồn thanh toán cho các dự án PPP; xây dựng danh mục dự án mời gọi đầu tư theo hình thức PPP…