|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phương án giảm 8 sở, 5 cơ quan hành chính ở TP HCM

20:35 | 04/12/2024
Chia sẻ
Thành phố định hướng sáp nhập 10 sở, kết thúc hoạt động hai sở, chuyển các ban quản lý từ đơn vị hành chính thành đơn vị trực thuộc UBND TP HCM.

Thông tin được bà Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng ban tổ chức Thành ủy TP HCM nêu tại hội nghị triển khai việc tổng kết Nghị quyết 18 trên địa bàn, chiều 4/12.

Theo bà Tuyết, trên cơ sở gợi ý của Ban Chỉ đạo Trung ương, thành phố nghiên cứu đề xuất sắp xếp các cơ quan theo hướng "Trung ương có bộ nào, thành phố có cơ quan cấp sở tương ứng". Sau khi rà soát hệ thống cơ sở đảng cùng các cơ quan trực thuộc chính quyền TP HCM, Ban Thường vụ Thành ủy đã đưa ra định hướng sắp xếp bộ máy bước đầu.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM Văn Thị Bạch Tuyết. (Ảnh: An Phương).

Đối với khối chính quyền, TP HCM nghiên cứu: sáp nhập Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, chuyển Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành đơn vị trực thuộc; sáp nhập Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, chuyển Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông thành đơn vị trực thuộc.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được nghiên cứu sáp nhập để thực hiện quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên và môi trường. Một số nhiệm vụ của hai sở này sẽ chuyển về các sở khác liên quan.

TP HCM chuyển Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành đơn vị trực thuộc; nghiên cứu sáp nhập Sở Du lịch và Sở Văn hóa - Thể thao.

Sở Thông tin và Truyền thông được nghiên cứu sáp nhập với Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số; kết thúc hoạt động Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chuyển các chức năng qua Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và Thể thao.

Sở An toàn thực phẩm dự kiến kết thúc nhiệm vụ, chuyển nhiệm vụ về Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương; nghiên cứu sáp nhập Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) và Ban Dân tộc thành phố; sáp nhập Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TP HCM.

Nếu thực hiện theo phương án này, TP HCM sẽ giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính.

Đối với khối Đảng, TP HCM đề xuất sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy. Nghiên cứu kết thúc hoạt động 11 đảng đoàn, 3 Ban cán sự đảng và đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng. Thành lập mới hai đảng bộ trực thuộc Thành ủy gồm Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể Tư pháp thành phố và cơ quan Đảng bộ Khối chính quyền.

Chuyển các tổ chức Đảng trong cơ quan, đơn vị của Đảng, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP HCM, Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP HCM, các tổ chức chính trị - xã hội, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, các tổ chức đảng trong hội quần chúng về Cơ quan Đảng, đoàn thể Tư pháp TP HCM.

Chuyển các tổ chức đảng trong cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP HCM và 24 đảng bộ cấp trên cơ sở về trực thuộc Đảng bộ Khối Chính quyền TP HCM; Đảng bộ Quân sự, Đảng bộ Công an, Đảng bộ Bộ đội biên phòng TP HCM sẽ giữ nguyên như hiện nay.

Các đảng bộ chuyển về Đảng bộ Khối chính quyền thành phố là đảng bộ cấp trên cơ sở ở các tổng công ty nhà nước, lực lượng thanh niên xung phong, Liên hiệp các hợp tác xã thương mại, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Cục Hải quan, Viễn thông, Bưu điện, Đại học Quốc gia, Khối đại học - cao đẳng, khối các cơ quan Trung ương tại TP HCM, các doanh nghiệp thành phố, Khối cơ sở các Bộ: Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông Vận tải.

Một số tổ chức cơ sở Đảng của loại hình doanh nghiệp sự nghiệp ở các quận ủy, huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức được nghiên cứu chuyển giao.

Sau khi sắp xếp theo định hướng trên, TP HCM sẽ còn 27 đảng bộ trực thuộc, giảm 24 đảng bộ so với hiện tại.

Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất rất cao quan điểm chỉ đạo của Trung ương, chủ trương của Bộ Chính trị về việc sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và cần thực hiện với quyết tâm cao nhất.

Lê Tuyết

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.