Phong cách lập dị của ông trùm 'liều ăn nhiều' đứng sau SoftBank
Theo Bloomberg, cuộc họp báo cáo thu nhập gần đây của CEO SoftBank Masayoshi Son là một trong những điều đáng buồn nhất đối với tỉ phú Nhật Bản. Ông mở đầu bằng cách so sánh mức độ tàn phá của đại dịch Covid-19 và cuộc Đại khủng hoảng rồi giải thích lí do Tập đoàn SoftBank chịu mức lỗ kỉ lục trong 39 năm.
Quỹ Vision Fund trị giá 100 tỉ USD của tập đoàn mất gần 18 tỉ USD trong danh mục đầu tư, bao gồm WeWork and Uber Technologies.
Tỉ phú Nhật Bản cố chứng minh rằng khi một số khoản đầu tư của ông trượt đến bờ vực thất bại, một số khác sẽ tăng trưởng mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng. Nhưng phần thuyết trình của ông Son chỉ nhận lại sự chế giễu trên các phương tiện truyền thông.
Phong cách lập dị
Bloomberg nhận định ông Son đang gặp khó khăn trong việc truyền đạt thông điệp của mình. SoftBank phần lớn là một tập đoàn nội địa, người Nhật Bản đã quen với phong cách lập dị của ông Son. Đó là những tuyên bố về việc chữa trị nỗi buồn của con người hay robot đọc kết quả tài chính Pepper của SoftBank.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhà đầu tư quốc tế chỉ cảm thấy tình hình tệ hại hơn sau những bài thuyết trình của tỷ phú Nhật Bản.
“Sự lập dị từng góp phần tạo nên sức hút cho ông Son. Nhưng ông đang dần đánh mất hào quang của một nhà đầu tư danh tiếng. Giờ chính những điều này chống lại ông ta”, Bloomberg dẫn lời Justin Tang tại United First Partners (Singapore) nhận định.
Theo những người quen thuộc với ông Son, thói quen này sẽ không dễ thay đổi. Tỉ phú Nhật Bản thích đưa ra các chủ đề rõ ràng trong bài thuyết trình, và sử dụng cách trình bày đơn giản mà ông cho rằng ai cũng có khả năng hiểu.
Ông Son thích sử dụng phép ẩn dụ để giúp những khái niệm khó hiểu trở nên dễ dàng tiếp cận hơn. Chỉ với một slide, ông có thể khái quát một thông điệp lớn. Hồi tháng 2, ông Son trình chiếu hình ảnh đại dương và dòng chữ “Tide is turning” (tạm dịch: Thủy triều đổi hướng).
CEO SoftBank rất chú trọng việc tạo các slide thuyết trình. Ông có hẳn một đội ngũ gần 10 thành viên từ 20 đến 30 tuổi chịu trách nhiệm soạn thảo bài thuyết trình, theo các nhân viên cũ.
Họ sẽ thu thập các tuyên bố của ông Son trong cả năm để làm “nguyên liệu” cho bản thuyết trình. Bản nháp sau đó được tỉ phú 62 tuổi xem xét cẩn thận. Đôi khi ông còn thay đổi vào phút chót.
"Con ngỗng đẻ trứng vàng"
Doanh nhân Son đã xây dựng SoftBank từ một nhà phân phối phần mềm PC thành đế chế toàn cầu bằng cách vay tiền rồi thực hiện các vụ mua lại táo bạo.
Ông luôn nỗ lực thuyết phục các nhà đầu tư rót tiền vào SoftBank cho các khoản đầu tư vào công ty khởi nghiệp công nghệ. Cổ phiếu được giao dịch thường xuyên với giá chiết khấu.
Trong những năm qua, ông Son đã sử dụng nhiều phép ẩn dụ khác nhau để thuyết phục các nhà đầu tư rằng công ty của ông ta đang bị định giá thấp. Hồi tháng 11/2014, ông sử dụng câu chuyện ngụ ngôn về con ngỗng đẻ trứng vàng của Aesop.
“SoftBank là một con ngỗng chứa rất nhiều trứng vàng trong bụng, ngay cả khi còn quá sớm để đưa nó ra thị trường. Hiện, SoftBank được định giá thấp hơn số trứng vàng trong bụng nó”, ông nói với giới đầu tư và báo chí trong cuộc họp.
Bốn năm sau, “con ngỗng vàng” thất bại, ông Son phải tìm cách khác để thuyết phục giới đầu tư.
Lần này, ông chứng minh khối tài sản trị giá 25.000 tỉ yen (234 tỉ USD) của SoftBank (trừ khoản nợ 4.000 tỉ yen) lớn hơn nhiều so với mức vốn hóa thị trường 9.000 tỉ yen (84,47 tỉ USD).
Cổ phiếu được giao dịch với mức chiết khấu 50% cho các bộ phận riêng của công ty, bao gồm đơn vị viễn thông trong nước, Tập đoàn Alibaba, nhà mạng Mỹ Sprint và Yahoo Nhật Bản.
Nỗi ám ảnh đứng đầu
Tháng 11/2019, SoftBank báo cáo khoản lỗ hoạt động đầu tiên trong vòng 14 năm sau khi chi 4,6 tỉ USD cho start-up tai tiếng WeWork. Ông Son đã đứng lên sân khấu, bảo vệ khoản đầu tư và phác thảo con đường sinh lời giả định.
Vào tháng 2 năm nay, một quý sau cuộc khủng hoảng WeWork, doanh nhân Son lại đưa ra những bình luận khó hiểu khác. “Một vấn đề sẽ khác đi khi thay đổi góc nhìn”, ông nói.
Ông cũng kêu gọi các nhà đầu tư tập trung vào giá trị cổ đông của SoftBank, bao gồm cổ phần của công ty này tại Alibaba, thay vì biến động giá cổ phiếu vì những khoản đầu như Uber. “Biện pháp duy nhất nên được sử dụng để định giá một công ty đầu tư như SoftBank là đánh giá giá trị cổ đông tăng hay giảm”, ông Son giải thích.
Ông Son thường bắt đầu bài thuyết trình của mình bằng cách đặt câu hỏi “SoftBank là gì?”. Tuy câu trả lời đã thay đổi sau nhiều năm nhưng có một thứ vẫn không đổi. Đó là ý thức về sứ mệnh xã hội và nỗi ám ảnh đứng đầu của CEO SoftBank.
Tỉ phú Nhật Bản miêu tả mình là người tin tưởng vào cuộc cách mạng thông tin. Ông tin rằng một ngày nào đó, máy tính sẽ kết hợp với bộ não và cơ thể con người.
Ông Son cho rằng không có ngành công nghiệp nào an toàn trước sự thay đổi của công nghệ và chỉ có kẻ mạnh nhất mới tồn tại. Đó là lí do ông luôn tìm cách để tập đoàn của mình chiếm ưu thế.
Tuy nhiên, những ý tưởng kì lạ và cảm tính nhất của ông Son chỉ được đưa ra trong cuộc họp cổ đông thường niên của SoftBank.
Hầu hết dự đoán của doanh nhân Son về công nghệ tương lai vẫn còn rất xa vời so với hiện tại, dù một số đã trở thành sự thật. Lợi nhuận hoạt động của SoftBank cán mốc 1.000 tỉ yen (9,39 tỉ USD) trong năm tài khóa 2013. Nhưng năm ngoái, tập đoàn chịu mức lỗ kỉ lục 1.350 tỉ yen (12,67 tỉ USD).