|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phó Tổng giám đốc EVN: Nguồn cấp điện sẽ rất khó khăn

21:27 | 17/05/2019
Chia sẻ
Nhu cầu điện tăng cao và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải huy động tối đa các nguồn để bảo đảm vận hành hệ thống điện.

Đây là thông tin được lãnh đạo EVN đưa ra tại buổi họp về cung cấp điện mùa khô năm 2019, ngày 17-5.

Ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, tổng công suất toàn hệ thống huy động ở thời điểm cao nhất lên tới 35.700 MW, tăng tới 16,2% so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến trong các tháng 5-6-7 sẽ có những ngày công suất huy động có thể lên tới hơn 36.000MW.

“Mặc dù nhu cầu tiêu thụ điện tăng lên nhưng việc huy động nguồn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở thủy điện. Bởi nhiều hồ ở miền Trung và miền Nam đều có trữ lượng nước thấp. Sản lượng thủy điện tích trong hồ của hai khu vực này chỉ khoảng 2 tỉ kWh, tức tương đương tổng phụ tải toàn quốc trong ba ngày làm việc. Trong khi đó, nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện than, điện khí cũng gặp nhiều khó khăn”- ông Khu thông tin.

Phó Tổng giám đốc EVN: Nguồn cấp điện sẽ rất khó khăn - Ảnh 1.

Theo EVN, hiện có khoảng 88 nhà máy điện mặt trời đang chạy đua hòa vào lưới, dự kiến sẽ đóng điện trước thời điểm 30-6-2019 với tổng công suất tăng thêm khoảng 1.300-1.400 MW. Ảnh: TP

Theo ông Khu, do nhu cầu điện tăng cao nên EVN đã phải huy động nguồn chạy dầu với tổng sản lượng khoảng 46 triệu kWh từ tháng 4-2019. Đây là nguồn điện giá cao, có mức giá trên 5.000 đồng/kWh. Hệ thống điện hiện cũng đang huy động khoảng 1.500MW điện mặt trời với giá 9,35 cent/kWh, tương ứng khoảng 2.200 đồng/kWh.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN khẳng định, EVN sẽ đảm bảo cung cấp điện ổn định cho năm 2019. Tuy nhiên, việc cung cấp điện năm nay đã bắt đầu khó khăn, đặc biệt trong các tháng cao điểm mùa khô ở miền Bắc, nhất là trong các tháng 5-6-7 tới đây và những năm tiếp theo.

Phó Tổng giám đốc EVN: Nguồn cấp điện sẽ rất khó khăn - Ảnh 2.

Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải (giữa) chia sẻ thông tin tại cuộc họp. Ảnh: TP

Cụ thể, theo ông Ngô Sơn Hải, từ năm 2020 việc cung cấp điện sẽ khó khăn hơn năm nay. Thực tế các nguồn điện mới tính đến năm 2020 cũng chỉ có khoảng 1.500 MW đưa vào, thấp hơn so với Tổng sơ đồ điện VII. Với mức tăng trưởng hơn 10%, tương ứng hệ thống điện mỗi năm cần thêm khoảng 3.500 - 4.000 MW. EVN cũng đã có các giải pháp trung và dài hạn kiến nghị báo cáo với Bộ Công Thương và Chính phủ.

Hiện EVN sở hữu khoảng 60% nguồn điện trên hệ thống, còn lại là của các thành phần khác. Các tổng công ty phát điện của EVN sẽ cổ phần hóa trong năm 2019 và 2020. Việc sở hữu nguồn của EVN từ sau năm 2020 cũng giảm đáng kể. Cụ thể, từ năm 2020 còn 50%, đến năm 2025 là 30% và giai đoạn đến năm 2030 các nguồn điện của EVN trên hệ thống còn khoảng 28%. Do đó, việc đảm bảo cung cấp điện hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự tham gia của các thành phần bên ngoài EVN.

Trà Phương