|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT báo cáo hiệu quả từng phương án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam

14:11 | 01/12/2023
Chia sẻ
Phó Thủ tướng yêu cầu phân tích, đánh giá kỹ tác động, hiệu quả tổng thể của đường sắt tốc độ cao đối với nền kinh tế trong từng phương án về tốc độ, kết hợp vận tải hành khách và hàng hoá, nâng cấp, tận dụng tuyến đường sắt hiện hữu.

Sáng 1/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và một số bộ, ngành liên quan về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Báo cáo Phó Thủ tướng, Bộ GTVT đề xuất ba kịch bản xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam gồm: Xây mới tuyến đường sắt đôi khổ 1.435 mm, tốc độ 350 km/giờ, khai thác riêng tàu khách và nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu để vận tải hàng hoá. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.

Xây mới tuyến đường sắt đôi khổ 1.435 mm, tốc độ 250 km/giờ, kết hợp cả tàu hàng và tàu khách. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD. 

Xây mới tuyến đường sắt đôi khổ 1.435 mm, tốc độ 350 km/giờ khai thác tàu khách và có thể vận tải hàng hoá khi xuất hiện nhu cầu, đồng thời nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu để vận tải hàng hoá.Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư dự án tăng lên khoảng 71,6 tỷ USD.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. (Ảnh: VGP).

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết nếu giải phóng việc vận tải tuyến đường sắt hiện hữu Bắc - Nam khỏi chức năng chở khách để tập trung vận tải hàng hoá, hoàn thành kết nối với các cảng biển, nút giao thông đường bộ sẽ đáp ứng được yêu cầu vận tải khối lượng hàng hoá rất lớn.

Trong đó có nhiều loại hàng có yêu cầu đặc thù về điều kiện, tốc độ vận chuyển, giảm chi phí logistics đang rất cao ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm nhiều nước cho thấy đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần giảm áp lực đô thị hoá với việc phát triển đô thị vệ tinh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công nghiệp, phát triển du lịch, giảm chi phí logistics…

Đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng cần xuất phát từ tầm nhìn, nhu cầu, dự báo phát triển kinh tế - xã hội, kinh nghiệm các nước, từ đó đặt ra "đầu bài" cụ thể đối với tuyến đường sắt tốc độ cao, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu phân tích, đánh giá kỹ tác động, hiệu quả tổng thể của đường sắt tốc độ cao đối với nền kinh tế trong từng phương án về tốc độ, kết hợp vận tải hành khách và hàng hoá, nâng cấp, tận dụng tuyến đường sắt hiện hữu.

Đồng thời, tối ưu hoá năng lực khai thác, vận hành của các phương thức, hệ sinh thái vận tải khác nhau như đường bộ, đường hàng không, đường thuỷ, đường biển…

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, đơn vị tư vấn huy động, hợp tác với các viện nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu thế giới để đánh giá tác động của dự án đường sắt tốc độ cao đối với ổn định vĩ mô, hiệu quả kinh tế - xã hội tổng thể, hiệu quả sử dụng đất, phương án tài chính, sử dụng nguồn lực do dự án mang lại…

Bên cạnh đó, cầnhọc hỏi kinh nghiệm của thế giới để phân tích ưu điểm, nhược điểm khi kết hợp giữa vận tải hành khách và hàng hoá, giữa tuyến đường sắt tốc độ cao mới và tuyến đường sắt hiện hữu, phương án phát triển khu đô thị vệ tinh, hệ thống logistics, du lịch, khả năng tiếp nhận và làm chủ công nghệ.

Hạ An

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).