Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Nguồn lực từ chính đồng bằng
Ông Võ Quan Huy (Đức Huệ, Long An) đầu tư trồng chuối trên 180ha đất nông nghiệp và đã thành công với mô hình này. Hiện sản phẩm chuối đã xuất đi nhiều nước trên thế giới - Ảnh: Thuận Thắng |
Tôi xin dẫn lại câu nói của ngài phó cao ủy đồng bằng Hà Lan. Đó là quyết định liên quan những "công trình không hối tiếc" (tức những công trình mang tính dự phóng, đầu tư cho tương lai), nhưng đừng để phải hối tiếc đã đầu tư cho những công trình này và không để ngân sách nhà nước bị cài vào thế đã phóng lao phải theo lao.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng với ĐBSCL là phải rà soát lại quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành và quy hoạch địa phương, trong đó có mấy vấn đề phải hết sức lưu ý trong quá trình rà soát.
Thứ nhất, rà soát quy hoạch tổng thể, ngành, địa phương ở ĐBSCL phải đạt được mục tiêu tiết kiệm và sử dụng hiệu quả cao đối với nước ngọt, chung sống với mặn và ngập, đảm bảo được nước ngọt cho sinh hoạt của người dân. Quản lý xâm nhập mặn chứ không có khả năng chống lại xâm nhập mặn, mà là thích ứng và kiểm soát nó.
Thứ hai, trước khi quyết định giải pháp công trình nào đó, cần cân nhắc yếu tố mất trên cả ba mặt: kinh tế, xã hội, môi trường để quyết định công trình nào là công trình phải đầu tư mà không hối tiếc.
Thứ ba, vấn đề lớn nhất của ĐBSCL là nước và quản lý tài nguyên nước một cách tổng hợp. Từ vấn đề quản lý tài nguyên nước sẽ tác động đến cơ cấu sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất. Từ nước và đất sẽ tác động đến tài nguyên, đa dạng sinh học, những vấn đề rất quan trọng. Kể cả phê duyệt rồi cũng phải rà soát và tính toán lại.
Thứ tư, cần quy hoạch nông nghiệp thành những vùng sản xuất lúa ăn chắc, chất lượng cao, sử dụng ít nước, ít phát thải nhà kính. Những vùng nuôi thủy sản phải được thủy lợi hóa. Không cứ cái gì cũng làm 3 vụ, cái gì chắc ăn thì chúng ta làm.
Thứ năm, cần tính toán trong quy hoạch tích hợp này là rà soát lại quy hoạch xây dựng và sử dụng không gian phù hợp với nền đất yếu của ĐBSCL.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Phải coi nước mặn, nước lợ cũng là nguồn tài nguyên. Không thể phát triển ĐBSCL mà cứ quay lưng lại với biển và giữ mãi quán tính cấy lúa nước ngọt như từ trước tới nay.
Còn nguồn lực từ đâu? Với kinh nghiệm của Hà Lan cũng như ý kiến khác, tôi cho rằng trước hết nguồn lực từ chính đồng bằng, chuyển hóa các thách thức, bắt đầu từ việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Luôn luôn coi đồng bằng là vùng nông nghiệp trọng điểm và nguồn lực phải được tạo ra từ chính đồng bằng trên cơ sở tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị của chuỗi sản phẩm ngành nông nghiệp, chú trọng chất lượng thay cho số lượng. Đó là bài toán và con đường chúng ta phải đi.
"Công trình không hối tiếc" là gì? Câu trả lời: "không hối tiếc" là một thuật ngữ thông dụng khi nói về vấn đề biến đổi khí hậu. Theo TS Paul B. Siegel, chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới có trụ sở ở thủ đô Washington (Mỹ), cách tiếp cận không hối tiếc (No-Regrets Approach) có nghĩa là những hành động do các hộ gia đình, cộng đồng, các cơ quan địa phương/quốc gia/quốc tế thực hiện và được chứng minh là đúng ở các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, môi trường bất chấp các sự kiện thiên tai hay biến đổi khí hậu có xảy ra hay không trên thực tế. TS Paul B. Siegel cho biết thêm các hành động không hối tiếc (No-regrets actions) giúp tăng cường sự chống chọi thích ứng với thiên tai một cách kịp thời, hiệu quả và hợp lý. (Q.Tr) |
Ông Hermen Borst (phó Cao ủy Chương trình đồng bằng Hà Lan) :Phải nhìn rộng hơn lợi ích nhỏ hẹp
Bài học phát triển vùng từ chương trình châu thổ Hà Lan cho thấy tại ĐBSCL cần một kế hoạch tổng thể, một cách tiếp cận tổng thể và dài hạn. Đó là nền tảng cho ĐBSCL. Ở Hà Lan, bảy năm trước chúng tôi bắt đầu triển khai một dự án đầy tham vọng và sáng tạo - chúng tôi gọi đó là Chương trình đồng bằng Hà Lan. Chương trình này có hai mục tiêu, đó là bảo vệ đất nước Hà Lan trước lũ lụt và cung cấp nước sạch cho hiện tại và tương lai. Giúp ứng phó với tình trạng nước biển dâng trong bối cảnh gia tăng biến đổi khí hậu, nguy cơ lũ lụt, hạn hán ngày càng tăng. Chương trình ở Hà Lan không đi theo hướng thông thường - không chỉ ứng phó với thảm họa đã xảy ra, mà chúng tôi chú trọng biện pháp hiệu quả hơn về tài chính, đó là triển khai hành động từ trước. Vì vậy, Hà Lan đã triển khai xây dựng quy trình ra quyết định mới, một cơ chế tài chính riêng biệt. Sau bảy năm hoạt động, chúng tôi hoàn toàn có thể tuyên bố chương trình này thật sự có hiệu quả. Thành công thật sự do các bên đã hợp tác với nhau chặt chẽ. Chúng tôi hiểu ĐBSCL không như đồng bằng Hà Lan. Nhưng những thách thức với hai vùng đồng bằng cũng tương đối giống nhau. Trọng tâm của Hội nghị ĐBSCL lần này là làm sao chuyển đổi mô hình ĐBSCL trong tương lai. Vì vậy, hành động thông thường không thể mang lại kết quả mong muốn cho sự bền vững và thịnh vượng lâu dài, mà cần có chuyển đổi để thích nghi với hoàn cảnh đã thay đổi và chuẩn bị tốt hơn trước những thay đổi rất lớn trong tương lai. Đây là việc không thể thực hiện được trong phạm vi một bộ. Nó là thách thức liên ngành, đòi hỏi phải có giải pháp thích hợp và hợp tác đa ngành. Tất cả đều bắt đầu bằng câu hỏi như sau: làm thế nào đánh giá được tác dụng của các khoản đầu tư, tác dụng của các khoản đầu tư vào mục tiêu dài hạn để tạo ra một ĐBSCL bền vững và thịnh vượng? Tại Hà Lan, chúng tôi giải đáp câu hỏi này dựa trên 3 giá trị cốt lõi. Đó là tính thống nhất giữa các lĩnh vực, khu vực, giữa các thế hệ; tính linh hoạt và tính bền vững. Ở Hà Lan, các quyết định đồng bằng là kết hợp giữa các định hướng cấp quốc gia và các kế hoạch chuyển đổi ở cấp vùng. Ở ĐBSCL, chúng tôi nhận thấy có một số chiến lược mâu thuẫn nhau. Vì vậy, để có các quyết định then chốt có tính chiến lược, chúng phải mang tính chiến lược ngay từ khi xây dựng. Các dự án quy mô lớn đòi hỏi các bên tham gia và hợp tác cả khi xây dựng và thực hiện. Muốn thực hiện một chiến lược lâu dài, cần có cơ chế tài chính riêng. Và tại mỗi giai đoạn đều đòi hỏi các bên liên quan phải nhìn rộng hơn lợi ích nhỏ hẹp của mình. Chúng ta phải tự hỏi mình khi đối mặt với những thách thức hiện tại, chúng ta muốn thế hệ mai sau nhớ đến chúng ta như những người gây ra khó khăn hay chúng ta muốn được nhớ đến là những người giải quyết vấn đề? |
Thủ tướng: Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu Thủ tướng yêu cầu các bộ, đặc biệt các địa phương chủ động hơn nữa trong thích ứng với biến đổi khí hậu. Hãy tự ... |