Thủ tướng: Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu
Cuối giờ chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành 40 phút để kết luận, đề ra phương hướng phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu sau 2 ngày diễn ra hội nghị tại Cần Thơ.
Thủ tướng giao Bộ TN-MT chủ trì phối hợp với VPCP khẩn trương tiếp thu tổng hợp ý kiến các địa phương, các ĐB, xây dựng ngay dự thảo nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu để đưa ra thảo luận tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ sắp tới và sẽ ban hành ngay trong tháng 9.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành 40 phút để kết luận với nhiều chỉ đạo cụ thể và tâm huyết. Ảnh: T.Hạnh |
Bộ KH-ĐT được giao khẩn trương báo cáo Chính phủ, nhất là cơ chế điều phối vùng để thành lập ngay sau hội nghị này.
Với các bộ, đặc biệt các địa phương, Thủ tướng yêu cầu phải có sự chủ động hơn trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, trước hết là trồng rừng.
“Phải đa năng để tận dụng thời cơ, thích ứng kịp thời. Câu nói nổi tiếng “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu” hoàn toàn phù hợp với chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Dứt khoát giảm diện tích lúa
Thủ tướng chỉ ra 4 thách thức lớn của ĐBSCL gồm: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng nặng nề nhất trong 100 năm qua; khai thác tài nguyên nước quá mức; hoạt động kinh tế cường độ cao gây nhiều tổn thương và hệ luỵ, đặc biệt là sụt lún, sạt lở ngày càng nhiều và nghiêm trọng, rừng ngập mặn bị tàn phá nặng nề; chất lượng nguồn nhân lực kém, là vùng trũng về giáo dục, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hoá trong khi nhân lực chất lượng cao có xu hướng dịch chuyển khỏi vùng.
“Các thách thức trên không phải dự báo mà là hiện hữu. Phải giữ được đất, giữ được nước, đặc biệt giữ được người thì mới gọi là thích ứng thành công với thiên nhiên”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu tầm nhìn mới về phát triển ĐBSCL là thay đổi từ tư duy nông nghiệp thuần tuý, sang nền kinh tế nông nghiệp thông minh, bền vững, có chất lượng, giá trị cao chứ không chạy theo sản lượng.
Phải chuyển từ sản xuất nông nghiệp hoá học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ.
“Ngày nay, lương thực không phải chỉ chống đói mà phải là dinh dưỡng và phòng bệnh, chữa bệnh với những thương hiệu nổi tiếng”, Thủ tướng định hướng.
Trong nông nghiệp, Thủ tướng nêu rõ vấn đề nổi cộm là khan hiếm nước ngọt. Ngay tại Cà Mau, có trên 10.000 giếng khoan nước ngầm phục vụ sản xuất, thuỷ sản.
“Quy hoạch nông nghiệp đảm bảo những vùng sản xuất lúa ăn chắc, chất lượng cao, sử dụng ít nước. Trước đây ưu tiên lúa, thuỷ sản, cây trồng giờ chuyển sang thuỷ sản, cây trồng và lúa. Dứt khoát giảm diện tích lúa, không chọn cây trồng sử dụng quá nhiều nước ngọt nhưng giá trị thấp”, Thủ tướng lưu ý.
Tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên
Thủ tướng nêu 3 quan điểm phát triển chính cho khu vực ĐBSCL. Trong đó nhấn mạnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng là xu thế tất yếu phải sống chung và thích nghi, phải chuyển hoá thách thức thành cơ hội.
Theo đó phải tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng tự nhiên, phụng thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững.
Chuyển phương châm sống chung với lũ sang chủ động sống chung với lũ, sống chung với mặn, với khô hạn, tiết kiệm sử dụng nước ngọt, đảm bảo sự gắn kết hữu cơ trong nội vùng cũng như liên kết với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tiểu vùng sông Mekong.
Trong phát triển, phải lấy con người làm trung tâm, chú trọng chất lượng hơn số lượng. Mọi hoạt động đầu tư phải được điều phối thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên các công trình cấp bách. Mọi dự án phải được tính toán thật kỹ trên cán cân được mất ở cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường, được phản biện khách quan, khoa học, bảo đảm không hối tiếc.
“Phải chú trọng giải pháp phi công trình. Hà Lan và nhiều nước đều đi theo hướng đó chứ không phải đắp những con đê bao dài hàng nghìn km như chúng ta”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, phát triển là để phục vụ người dân, đảm bảo sinh kế là nhiệm vụ trọng tâm, không để khoảng cách giàu nghèo. Hiện mức sống của người dân ĐBSCL thấp hơn mức bình quân chung cả nước, nhất là so với ĐB sông Hồng, tỉ lệ đói nghèo cao hơn (gần 10%), trong khi cả nước 7%.
“Phấn đấu 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, GDP gần 10.000 USD/người, tỉ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%”, Thủ tướng kỳ vọng.
Chính phủ sẽ mở diễn đàn ĐBSCL
Để thực hiện phát triển bền vững ĐBSCL, Thủ tướng giao tư lệnh ngành từng nhiệm vụ cụ thể.
Nông nghiệp: Ngoài chọn cây, con tốn ít nước, cần rà soát lại kế hoạch thuỷ lợi đến 2020, tầm nhìn 2050. Đây là quy hoạch then chốt.
Công thương: Hạn chế tối đa làm nhiệt điện, than, nếu làm, không được ảnh hưởng môi trường; phát triển năng lượng tái tạo như gió, mặt trời; tổ chức lại thị trường xuất nhập khẩu.
Xây dựng: Phát triển đô thị thông minh; chương trình nước sạch liên vùng; xây dựng nhà ở an toàn vệ sinh cho người dân.
Giao thông: Phải tận dụng phát triển giao thông thuỷ, thay vì đầu tư quá nhiều cao tốc, đường bộ lớn.
Giáo dục: Dạy nghề là phần trọng tâm, cần đầu tư phát triển nhân lực, biến ĐBSCL thành lung lũng với sự sáng tạo cho một nền nông nghiệp đa chức năng, không chỉ tiếp thu, ứng dụng khoa học, công nghệ mà còn là nơi sáng tạo ra nhiều cái mới...
Tài Chính: Nghiên cứu thành lập quỹ phát triển đồng bằng với nhiều nguồn lực. Từ nay đến năm 2020, giải ngân có hiệu quả ít nhất 1 tỷ USD để làm hệ thống cống điều tiết lũ, xử lý các đoạn sạt lở nghiêm trọng. Mở cơ chế cho tư nhân.
Hợp tác quốc tế: Chủ động hợp tác với các nước trên lưu vực sông Mekong trên cơ sở cùng có lợi để chuyển hoá thách thức thành cơ hội, tranh thủ sự hỗ trợ của đối tác, mở rộng thị trường hàng hoá, mở ra không gian hợp tác với các quốc gia.
Thủ tướng khẳng định, ít nhất 2 năm 1 lần, Chính phủ sẽ mở diễn đàn ĐBSCL để thảo luận, đề ra các giải pháp cụ thể. Hàng năm phải có tổng kết đã làm gì, làm đến đâu....
Thủ tướng cho biết, việc quy hoạch ĐBSCL như thế nào sẽ công bố rộng rãi để nhân dân biết, góp ý, phản biện.