Phó Thống đốc nói gì về xu hướng hút ròng qua kênh tín phiếu?
Trong những ngày gần đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp có động thái hút ròng qua kênh tín phiếu. Tính đến ngày 27/9, NHNN đã hút gần 70.000 tỷ đồng khiến cho mức lãi suất liên ngân hàng qua đêm và kỳ hạn ngắn đều bắt đầu có xu hướng nhích lên.
Lý giải về xu hướng hút ròng tại phiên họp toàn thể thứ 13 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 27/9, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, mục tiêu mà Chính phủ và NHNN đặt ra là giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng vay, nền kinh tế.
Trong bối cảnh các nước trên thế giới vẫn tiếp tục tăng lãi suất, từ đầu năm đến nay, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành để điều hướng lãi suất trên thị trường.
Lãi suất huy động và cho vay đã giảm 1% so với cuối năm ngoái. Riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên đã giảm 4 - 5,5% so với cuối năm. Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn thấp hơn 1%, thể hiện thanh khoản dư thừa.
Tuy nhiên, lãi suất và tỷ giá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau tạo ra thế khó cho nhà điều hành. Vì vậy, khi USD tăng giá mạnh trong thời gian gần đây, NHNN đã và đang theo dõi sát thị trường ngoại tệ, đưa ra những động thái điều hành để ổn định tỷ giá.
"Mấy ngày gần đây, NHNN đã phải điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. Hiện nay lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn ổn định. Dù vậy, áp lực thời gian tới vẫn rất lớn khi chúng ta cần cân đối giữa lãi suất và tỷ giá”, Phó Thống đốc nói.
Ông cũng cho hay, NHNN đã cố gắng hết sức để cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, hạ lãi suất, nhưng vấn đề hiện nay là sức hấp thụ của nền kinh tế yếu do tổng cầu yếu, sức khoẻ doanh nghiệp yếu.
Vì vậy, cần giải pháp đồng bộ hơn để thúc đẩy xuất khẩu, tăng đơn hàng, mở rộng thị trường và cần tăng cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi phương án tài chính, kinh doanh của các doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng.
Về vấn đề nợ xấu, Phó thống đốc cho biết, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp khó trả nợ cũ, không muốn vay mới nên nợ xấu có xu hướng tăng lên. Dù vậy, nợ xấu đang được theo dõi sát sao, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, đảm bảo trích lập dự phòng đầy đủ để có nguồn lực xử lý nợ xấu khi cần thiết.
Trước đó, báo cáo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 8 tháng đầu năm, nền kinh tế còn bộc lộ nhiều hạn chế: Tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, nợ xấu có xu hướng tăng, các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều vướng mắc.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng 8 tháng mới tăng 5,5% trong khi chỉ tiêu cả năm lên tới 14%. Nợ xấu nội bảng lên tới 3,56%, cao so với mục tiêu đề ra là dưới 3%, gây áp lực lên chi phí vốn. Lãi suất tuy đã giảm song thủ tục giải ngân vẫn khó khăn. Tỷ giá tăng tạo sức ép với chi phí đầu vào của doanh nghiệp và gây áp lực lạm phát,…