|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phó TGĐ Vietnam Airlines: 'Giá vé máy tăng 15 - 17%, chúng tôi đã bắt đầu có lãi'

15:42 | 21/06/2024
Chia sẻ
Theo Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, một số thị trường thế giới giá vé máy bay thậm chí đã tăng 30- 40% còn ở Việt Nam chỉ tăng 15 - 17%. Tuy nhiên, nhờ đó Vietnam Airlines đã bắt đầu có lãi dù tích luỹ vấn rất mỏng.

"Giá vé máy bay vừa rồi có tăng nhưng chỉ tăng 15 - 17% ở trong mức độ hợp lý, hài hoà, vẫn kiểm soát được", ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc khẳng định tại Đại hội cổ đông thường niên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - mã: HVN), sáng 21/6.

Theo ông, giá vé máy bay tăng nóng không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Theo ông, giá vé máy bay tuy có tăng nhưng không phải quá cao, trung bình chỉ tăng 15 - 17% so với trước đây tuỳ từng đường bay, ngày giờ bay.

"Trước đây một tháng, giá vé trung bình của tất cả các đường bay chỉ khoảng 76% so với giá trần, có đường bay chỉ khoảng 43% so với giá trần. Tuy nhiên, trong vòng một tháng trở lại đây, giá vé tiếp tục giảm do Vietnam Airlines đã đưa các đường bay sáng sớm, tối muộn vào để giảm giá", ông Tuấn cho hay. 

Các thị trường khác đã tăng từ cuối 2022, còn ở Việt Nam đến đầu năm 2024 mới tăng, mức độ tăng khoảng 15 - 17%. "Có những thị trường, giá vé máy bay đã tăng 30 - 40%, nếu cung - cầu chưa cân bằng thì giá chưa thể giảm", ông Tuấn nói.

Giá vé tăng giúp Vietnam Airlines bắt đầu có lãi 

Ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines. (Ảnh: VNA).

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc giá vé máy bay tăng cao đã giúp Vietnam Airlines bù đắp chi phí hay chưa, ông Tuấn trả lời: "Vừa rồi giá vé máy bay tăng đã giúp đỡ một phần chi phí nhưng so với những biến cố có thể xảy ra trong tương lai thì vẫn còn rất nhiều rủi ro.

"Vietnam Airlines đã bắt đầu có lãi nhưng tích lũy vẫn rất mỏng. Năm 2024, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 105.946 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4.233 tỷ đồng. Doanh thu công ty mẹ là 80.984 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ là 105 tỷ đồng", ông Tuấn cho hay.

Phân tích thêm về nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao, ông Tuấn cho rằng sự thiếu hụt tàu bay và nhu cầu du lịch phục hồi khiến giá vé máy bay trên toàn thế giới đều tăng. 

Chi phí nhiên liệu của năm 2024 so với năm 2019, quy mô chi phí tăng lên 5.500 - 5.600 tỷ đồng chi phí, tỷ giá cũng ảnh hưởng rất lớn, khiến Vietnam Airlines mất thêm khoảng 4.700 tỷ đồng.

"Chỉ hai chi phí này đã khiến Vietnam Airlines mất thêm khoảng 10.000 tỷ đồng chưa nói đến rất nhiều yếu tố khác. Theo IATA, kinh doanh hàng không ở châu Á chỉ lãi được 1,2 USD/vé và ở Việt Nam còn thấp hơn.

Thiếu hụt tàu bay sẽ kéo dài sang năm 2025

 

Đại hội cổ đông thường niên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam. (Ảnh: Hạ An).

Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết một trong những nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao là sự thiếu hụt tàu bay của các hãng hàng không.

Vấn đề động cơ Pratt & Whitney trên các tàu bay A321/320 NEO khiến khoảng 3.500 động cơ của hãng hàng không bị triệu hồi gây ra tình trạng không ổn định, thiếu hụt nguồn lực tàu bay, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch khai thác, phục hồi và mở rộng mạng bay sau đại dịch.

Không chỉ động cơ Pratt & Whitney, sự thiếu hụt nhân lực bảo dưỡng tàu bay cũng khiến thời gian sửa chữa, bảo dưỡng của các hãng máy bay khác cũng bị kéo dài từ 70 - 90 ngày giờ đã lên 250 - 300 ngày.

"Sự thiếu hụt máy bay sử dụng động cơ động cơ Pratt & Whitney trên các tàu bay A321/320 NEO của Vietnam Airlines và các hãng hàng không Việt Nam sẽ nghiêm trọng nhất vào đầu năm 2024 và quay trở lại vào nửa cuối của năm 2025", ông Hà cho biết. 

Cho đến hiện tại, Vietnam Airlines đang có 11 máy bay A321 bị triệu hồi động cơ và có 2 đến 4 máy bay A320 cũng đang trong quá trình bảo dưỡng động cơ. Như vậy, đội bay của Vietnam Airlines đang bị thiếu khoảng 15/100 chiếc.

Các bên cho thuê máy bay và các hãng hàng không cho rằng sự thiếu hụt này phải kéo dài ít nhất đến năm 2026 - 2027. Ông cũng cho biết thêm, các máy bay đã đặt cũng phải ít nhất đến năm 2030 mới được nhận do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng cũng như nhu cầu tăng cao của ngành hàng không hậu COVID-19.

Để tìm kiếm các nguồn máy bay mới, ông Hà cũng thông tin trước đây Hội đồng quản trị Vietnam Airlines đã báo cáo cổ đông về việc thanh lý máy bay A321 cũ. "Tuy nhiên, hiện nay tàu bay thân hẹp trên thế giới đang rất thiếu nên chúng tôi quyết định chuyển sang phương án giữ lại các tàu bay này vì việc đi thuê máy bay trong thời gian tới là rất khó", Tổng Giám đốc Việt Nam Airlines nói.

Với giai đoạn năm 2025 - 2030 khi chưa mua được máy bay thì phải thuê, còn từ năm 2030, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch mua 50 máy bay thân hẹp, ông Hà thông tin.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cũng thông tin thêm năm 2025, hãng hàng không này sẽ phải dừng bay thêm 6 chiếc nữa để đưa động cơ vào bảo dưỡng. Vì vậy, vấn đề thiếu hụt động cơ sẽ tiếp tục kéo dài và phải đến cuối năm 2025 sẽ giảm bớt. 

Để bù đắp cho sự thiết hụt nguồn cung, rất nhiều giải pháp đã được triển khai như: Tạm dừng, giảm một số đường bay không hiệu quả hay việc bố trí tàu bay sáng sớm, tối muộn nhằm tăng số giờ bay trong ngày.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm Vietnam Airlines sẽ nhận thêm một tàu bay 787-10 và ba tàu A320 NEO để bổ sung nguồn cung cho đội tàu bay trong thời gian tới.

Hạ An

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.