|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TGĐ Vietnam Airlines: Chúng tôi phải hủy 10% chuyến bay đêm do vắng khách

08:59 | 13/06/2024
Chia sẻ
Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, trong hai tháng qua, hãng đã tăng cường nhiều chuyến bay đếm nhằm giảm giá vé, song khi đủ tải phải hủy 10% chuyến do không có khách bay.

Tại hội thảo “Hàng không - du lịch “bắt tay” liên kết phát triển bền vững” do Báo Nhân Dân tổ chức chiều 12/6, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết trong giai đoạn khó khăn về thiếu hụt máy bay hiện tại, muốn tăng tải chỉ còn cách bay sáng sớm và đêm muộn.

Do đó, trong hai tháng qua, Vietnam Airlines đã triển khai tăng tải nhiều chuyến bay đêm nhằm giảm giá vé, song khi đủ tải phải hủy 10% chuyến do không có khách bay vào khung giờ đêm. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường khách chưa sẵn sàng bay khung giờ này. 

“Khách lo ngại mất thêm chi phí phòng, chưa rõ điểm đến có thuận tiện cho mọi người đi lại không nên không hào hứng, do đó hãng phải hủy nhiều chuyến bay đêm”, ông Hà lý giải. 

 

Hội thảo “Hàng không - du lịch “bắt tay” liên kết phát triển bền vững” tổ chức chiều 12/6. (Nguồn: Báo Nhân Dân).

Vị CEO Vietnam Airlines đề nghị các doanh nghiệp du lịch có chính sách giảm giá đêm đầu tiên cho hành khách bay đêm. Hàng không và du lịch cần “bắt tay” nhau thực chất và rõ ràng hơn để thu hút, phát động tạo thị trường mới, thói quen mới, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng này.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng nhiều doanh nghiệp khách sạn đang áp dụng một chính sách checkin và checkout cứng nhắc khiến nhiều khách du lịch thiệt thòi.

“Nhiều tập đoàn quốc tế đã áp dụng chính sách nhận phòng và trả phòng linh hoạt trong 24 tiếng. Tại sao ngành du lịch Việt Nam không suy nghĩ đến việc các tập đoàn khách sạn thử đưa ra cách thức linh hoạt này. Khi đó, du lịch sẽ bắt tay được với ngành hàng không để áp dụng, tận dụng được chuyến bay đêm với giá máy bay rẻ, sẽ có gói combo tốt hơn”, ông Hoàng Nhân Chính bày tỏ.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel, bản chất hàng không là vận tải công cộng, là ngành vận chuyển tốt nhất, có hàm lượng chất xám cao nhất nên giá vé cao là đương nhiên. Do đó, khi hàng không khó khăn, những tác động tiêu cực không chỉ ở lĩnh vực du lịch mà còn ảnh hưởng vận chuyển công cộng.

Trong bối cảnh đó, giá vé bay tăng cao hiện nay không chỉ Việt Nam mà cả thế giới (bình quân giá vé bay trên thế giới tăng 17 - 25%). Do đó, ông Kỳ cho rằng, để giảm giá vé của hàng không đã đến lúc cần sự vào cuộc của Chính phủ. Chính phủ có Ban Chỉ đạo quốc gia về du lịch, cần ngồi lại với các hãng hàng không, cùng nghiên cứu tìm cơ chế, chính sách thực sự giúp hàng không giảm chi phí.

Về phía các công ty du lịch, bà Lương Thị Hoàng Lan, Giám đốc kinh doanh Khối Du lịch nghỉ dưỡng, Tập đoàn Sun Group cho biết, giá vé máy bay trong nước tăng cao khiến xu hướng đi du lịch của du khách thay đổi, không chỉ lượng khách nội địa đi du lịch bằng máy bay suy giảm, mà nhiều người đã lựa chọn đi du lịch nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc,… vì chi phí vé máy bay rẻ hơn.

Trong bối cảnh đó, sự thiếu liên kết chặt chẽ giữa địa phương - du lịch - hàng không không chỉ làm giảm sức cạnh tranh của các điểm đến trong nước, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của tất cả các bên và gián tiếp hạn chế khả năng tăng tốc phát triển của ngành du lịch Việt Nam và sự tăng trưởng của nền kinh tế. 

Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị địa phương - du lịch - hàng không có sự phối hợp, liên kết thực chất để xây dựng kế hoạch hợp tác ngắn hạn và lâu dài trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa các bên.

"Không chỉ hàng không và du lịch có chính sách giá tốt, các địa phương/điểm đến cũng cần đưa ra ưu đãi giá hợp lý (về nghỉ dưỡng, vận chuyển, nhà hàng,…) để có chương trình, combo sản phẩm nghỉ dưỡng chất lượng với mức giá hợp lý, bao gồm cả vé máy bay, phòng khách sạn và tour du lịch,… giúp các bên cùng có lợi, ổn định về lượng khách và đạt hiệu quả cao nhất", bà Lan nhìn nhận. 

Về giải pháp, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký TAB đề xuất Chính phủ cần có thể trợ giá để giúp doanh nghiệp hàng không bù đắp chi phí và duy trì hoạt động, kích cầu cho cả hai ngành du lịch và hàng không. 

Cụ thể, Chính phủ có thể hỗ trợ ngành hàng không như giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa như năm 2021.

Cùng với đó, Chính phủ cần xem xét miễn mức thuế 7% nhập khẩu xăng dầu  đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức quy định hiện hành; và hỗ trợ Công ty Quản lý bay để giảm 50% giá dịch vụ cất hạ cánh máy bay trong 2 năm cho các hãng hàng không. 

Đồng thời, ông Chính cho rằng cần hỗ trợ chung cho ngành hàng không và du lịch với gói kích cầu giảm giá vé máy bay khứ hồi, trợ giá vé máy bay không quá 30 USD/vé và trợ giá phòng lưu trú không quá 30 USD/đêm, theo nguyên tắc không vượt quá 40% giá trị của vé và phòng, cho 2 triệu vé máy bay và 5 triệu đêm lưu trú tại các điểm đến du lịch trọng điểm của Việt Nam.

Ngọc Bảo