'Cần có chính sách trợ giá bù đắp chi phí hàng không và kích cầu ngành du lịch'
Tại hội thảo "Hàng không – du lịch 'bắt tay' liên kết phát triển bền vững" được tổ chức chiều 12/6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho rằng giá vé máy bay liên tục tăng cao đồng nghĩa với việc giảm sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam với du khách trong nước và quốc tế, giảm phần nào nhu cầu đi lại và du khách sẽ tìm kiếm các lựa chọn thay thế với các phương tiện phù hợp và các điểm đến gần hơn.
“Trên thực tế, doanh nghiệp này cũng đã phải linh hoạt mở rộng các sản phẩm tour đường bộ, đường sắt, tuyến cao tốc, các gói combo, dịch vụ lẻ khởi hành tại 18 địa phương”, ông Yên cho biết.
Về lâu dài, điều này có thể làm giảm sức cạnh tranh và sức hút của du lịch Việt Nam với du khách quốc tế và du lịch nội địa với du khách trong nước do thói quen chờ các đợt kích cầu, giảm giá cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng không mong muốn với thị trường du lịch.
Vì vậy, ông Yên cho rằng, xét về hiệu quả lâu dài và bền vững, ngành du lịch và hàng không cần xác định mối quan hệ hợp tác cộng sinh chặt chẽ, cùng chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích, phối hợp linh hoạt trong xây dựng sản phẩm (gồm sản phẩm mới, sản phẩm cao cấp, khuyến mãi, kích cầu…).
“Nếu không có sự bắt tay của hai bên, thị trường sẽ tự dịch chuyển và làm thay đổi thói quen, hành vi của khách hàng, các tuyến du lịch đường bay sẽ bị ảnh hưởng”, ông Yên quan ngại.
Về phía hãng hàng không, ông Lương Hoài Nam, CEO Bamboo Airways khẳng định giá vé máy bay chỉ hạ nhiệt khi số lượng máy bay của các hãng tăng lên.
Hiện số máy bay khai thác ở Việt Nam khoảng 160 chiếc, giảm 70 chiếc so với trước COVID-19 (hơn 230 máy bay). Để bù đắp sự thiếu hụt này, các hãng hàng không có thể thuê máy bay trên thế giới, nhưng các hãng không có động lực kinh doanh vì “càng bay nhiều, càng lỗ nhiều”.
“Mặt bằng giá vé máy bay hiện nay làm việc triển khai chặng bay nội địa có lãi không khả thi vì không theo kinh tế thị trường”, ông Nam bày tỏ.
Do đó, ông Nam cho rằng, thay vì áp giá vé trần như hiện nay, cần phải dùng luật cạnh tranh để “trị” những đơn vị lạm dụng vị thế độc quyền. Đồng thời, phải tạo động lực cho hãng hàng không đưa máy bay về, cung ứng cho thị trường nội địa. Khi có nhiều máy bay thì giá vé máy bay giảm nhiệt.
“Chúng ta phải tạo động lực cho ngành hàng không, mới hóa giải được nghịch lý giá vé máy bay tăng nhưng hãng không và công ty du lịch vẫn khó khăn”, ông Nam nhấn mạnh.
Còn theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), giá vé máy bay thường chiếm đến 40 - 60% giá tour du lịch trọn gói. Vì vậy, giá vé máy bay đã tăng khoảng 20%, kéo theo việc giá tour cũng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, khiến doanh nghiệp lữ hành buộc họ phải“né” đường bay để giảm giá tour
"Sự giảm số lượng khách hàng không đã tác động lan tỏa đến việc làm của người lao động trong các ngành hàng không, kinh doanh, đầu tư và sinh kế của người dân tại các điểm đến", ông Chính nhìn nhận.
Đưa ra giải pháp kéo giảm giá vé máy bay, ông Chính đề xuất Chính phủ có thể hỗ trợ ngành hàng không như giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa như năm 2021.
Ngoài ra, Chính phủ có thể trợ giá để giúp doanh nghiệp hàng không bù đắp chi phí và duy trì hoạt động, kích cầu cho cả hai ngành du lịch và hàng không.
"Cần xem xét miễn mức thuế 7% nhập khẩu xăng dầu đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức quy định hiện hành. Chính phủ cũng cần hỗ trợ Công ty Quản lý bay để giảm 50% giá dịch vụ cất hạ cánh máy bay trong 2 năm cho các hãng hàng không”, ông Chính gợi ý.
Đồng thời, ông Chính cho rằng cần hỗ trợ chung cho ngành hàng không và du lịch với gói kích cầu giảm giá vé máy bay khứ hồi, trợ giá vé máy bay không quá 30 USD/vé và trợ giá phòng lưu trú không quá 30 USD/đêm, theo nguyên tắc không vượt quá 40% giá trị của vé và phòng, cho 2 triệu vé máy bay và 5 triệu đêm lưu trú tại các điểm đến du lịch trọng điểm của Việt Nam.
Đặc biệt, ông Chính đề xuất Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các hãng hàng không quốc tế đầu tư vào Việt Nam, theo hướng tăng tỉ lệ đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài lên tối đa 49% thay vì 34% như hiện nay.
Cuối cùng, với ngành du lịch không đứng ngoài kêu ca mà phải cùng chung tay với hàng không để góp phần giảm giá vé máy bay. Theo ông Chính, một cơ chế cứng nhắc nhiều doanh nghiệp khách sạn áp dụng chính sách nhận phòng (check-in) và trả phòng (check-out) khiến nhiều khách du lịch thiệt thòi.
“Nhiều tập đoàn quốc tế đã áp dụng chính sách nhận phòng và trả phòng linh hoạt trong 24 tiếng. Tại sao ngành du lịch Việt Nam không suy nghĩ đến việc các tập đoàn khách sạn thử đưa ra cách thức linh hoạt này. Khi đó, du lịch sẽ bắt tay được với ngành hàng không để áp dụng, tận dụng được chuyến bay đêm với giá máy bay rẻ, sẽ có gói combo tốt hơn”, ông Hoàng Nhân Chính bày tỏ.