|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phó TGĐ EVN: Giá bán điện ở vùng sâu, vùng xa lẽ ra lên tới 7.000 đồng/kWh

21:47 | 26/09/2023
Chia sẻ
Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết giá bán điện cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo có thể lên đến 7.000 đồng/kWh vì chi phí lớn, tuy nhiên, hiện nay tập đoàn chỉ bán với mức giá từ 1.900 đồng/kWh.

 

Tại tọa đàm "Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới" ngày 26/9, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đã lý giải nguyên nhân mà tập đoàn này liên tục báo lỗ trong thời gian qua, theo Dân Trí.

Ông Nam cho biết giá bán điện cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo có thể lên đến 7.000 đồng/kWh vì chi phí lớn, tuy nhiên, hiện nay EVN chỉ bán với mức giá từ 1.900 đồng/kWh.

"Đây là một ví dụ cho câu chuyện hiện nay mà EVN đang phải đối mặt. Vì phục vụ cuộc sống người dân là ưu tiên hàng đầu, thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó nên EVN chấp nhận việc giá bán ra thấp hơn nhiều so với giá mua vào", ông Nam nói.

Ngoài ra, ông Nam lý giải trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine nổ ra giá các mặt hàng nguyên liệu đầu vào  phục vụ cho sản xuất điện như than, khí, dầu... tăng đột biến. 

Có thời điểm, giá than đã tăng gấp 5 lần, lên đến 400 USD/tấn. Giá dầu cũng tăng gấp đôi. Điều này khiến giá vốn sản xuất điện tăng lên, đẩy giá điện mua vào cũng tăng theo, gây ra những khó khăn tài chính cho EVN. Sang đến năm 2023, giá các mặt hàng cũng đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao.

"Mặc dù giá điện đã được tăng 3% nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần nào", ông Nam nói.

Từ ngày 4/5, giá điện bán lẻ bình quân tăng 3%, lên 1.920 đồng/kWh. Tuy nhiên, theo EVN, mức tăng này vẫn là quá thấp so với mức tăng 9,27% của giá thành sản xuất điện năm 2022.

Hồi tháng 7, EVN có ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn tài chính. Theo đó, EVN kiến nghị tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới, theo biến động các thông số đầu vào. Về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, tập đoàn kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cho phép tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, EVN đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cho EVN vay không lãi suất để thanh toán tiền điện cho các đơn vị phát điện, đảm bảo kịp thời mua nguyên liệu phục vụ phát điện.

Ngoài ra là đề xuất Chính phủ và các bộ ngành cho phép tập đoàn được tạm thanh toán tiền mua điện ở mức phù hợp khả năng tài chính của EVN cho các đơn vị phát điện đến khi giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp thời và phản ánh đầy đủ chi phí.

H.Mĩ

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.