Phó TGĐ Dragon Capital: 'Tiềm năng thị trường vốn còn rất lớn'
Sáng hôm qua (8/5), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Nhóm Công tác Thị trường Vốn - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức Hội thảo "Tăng cường việc tiếp cận thị trường vốn Việt Nam".
Tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc nhóm quỹ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam – Dragon Capital đánh giá, nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào Việt Nam rất khó, không có cổ phiếu để đầu tư, dẫn đến sự bất cân đối về giá. Để tăng sự hấp dẫn khối ngoại trên thị trường, đại diện nhóm quỹ này đã đưa ra khuyến nghị tăng cường độ sâu của thị trường bằng việc phát triển sản phẩm mới như Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR).
Bên lề hội thảo, để làm rõ hơn vấn đề, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn riêng với ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc đầu tư quỹ Dragon Capital.
PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ giải pháp tăng cường tiếp cận thị trường vốn của chúng ta hiện nay?
Ông Lê Anh Tuấn: Thị trường vốn của chúng ta đã có những bước tiến nhất định, cách đây ba năm, vốn hoá của chúng ta đâu đó khoảng 50 -60 triệu USD, giờ tăng lên 180 triệu USD. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu của Chính phủ từ năm 2020 -2025 cho thị trường vốn, chúng ta cần có những bước tiếp cận mới, những đột phá mới cho thị trường vốn.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó TGĐ Quỹ Dragon Capital trả lời phỏng vấn. Ảnh: Phan Quân
Hiện tại, có những bất cập nhất định đối với các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường vốn của chúng ta. Do đó, chúng ta cần giải toả, tạo những cơ chế để tạo những động lực nhất để họ có thể tiếp cận sâu hơn thị trường vốn của nước ta.
Điều đó có nghĩa chúng ta cần có nhiều mô hình khác nhau để áp dụng, ví dụ như mô hình của Malaysia, Nhật Bản hay Thái Lan. Theo tôi thấy thì mô hình NVDR của Thái Lan là mô hình phù hợp nhất với khung pháp lý cũng như tính hiệu quả của thị trường chứng khoán Việt Nam.
PV: Tuy nhiên, những sản phẩm và công cụ mới có thể gặp khó khăn gì khi áp dụng tại thị trường Việt Nam?
Ông Lê Anh Tuấn: Tôi không cho rằng đó là những công cụ mới. Công cụ NVDR đã thực hiện ở thị trường Mỹ những năm 1920, thực hiện ở Thái Lan vào năm 2000. Có nghĩa chúng ta đi sau những nước đó gần 20 cho tới 100 năm rồi, nên không thể nói những sản phẩm đó là những sản phẩm mới được.
PV: Nếu sản phẩm này vào Việt Nam thì thể chế chính sách của nhà nước có cần thay đổi?
Ông Lê Anh Tuấn: Chính vì vậy những sản phẩm mới vào Việt Nam cần phù hợp với khung thể chế pháp lý cũng như mục tiêu của Chính phủ. Tôi cho rằng NVDR hiện tại thoả mãn những tiêu chí đó.
PV: Quay trở lại vấn đề, thị trường vốn Việt Nam hiện quy mô khoảng 60% so với thị trường tín dụng ngân hàng. Có phải quy mô của nó còn quá thấp so với tiềm năng? Ông đánh giá thị trường vốn năm 2019 này như thế nào?
Ông Lê Anh Tuấn: Tôi thấy nhận định đó rất đúng. Thứ nhất, thị trường tín dụng ngân hàng cho tất cả các doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế, trong khi thị trường vốn chỉ giành cho đâu đó khoảng 1.100 công ty niêm yết mà thôi. Trong khi vốn hoá của 150 công ty hàng đầu đã chiếm gần 90%. Với một thị trường vốn cung cấp vốn cho chủ sở hữu mà đã gần 60% thị trường tín dụng, đó là một bước tiến rất ra đối với thị trường vốn, và tiềm năng của nó tôi cho rằng còn rất lớn.
PV: Hạn chế của nhà đầu tư nước ngoài khi vào vốn tại thị trường Việt Nam?
Ông Lê Anh Tuấn: Về mặt vĩ mô, về mặt chính sách, nhà đầu tư nước ngoài thích thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, khi có tiền họ không biết đầu tư vào cổ phiếu nào bởi vì phần lớn những cổ phiếu họ muốn đầu tư hạn chế về FOL (Foreign Ownership Limit) đã chạm mức giới hạn.